Tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh
19-7-2013

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải tại Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 09/7/2013 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông; ngày 18/5/2013, Sở Giao thông vận tải Kon Tum có văn bản số 825/SGTVT-QLKCHTGT đề nghị các đơn vị tham gia xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung.

Tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh
CT

Trong giai đoạn khảo sát, thiết kế xây dựng công trình

       Chủ đầu tư, Ban QLDA

     Lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện công tác khảo sát, thiết kế; 

     Hợp đồng phải quy định cụ thể trách nhiệm của các bên. Trường hợp đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện không đạt yêu cầu, hồ sơ phải chỉnh sửa lại nhiều lần thì phải có chế tài xử lý, tránh trường hợp giao nộp hồ sơ thiết kế cho kịp tiến độ hợp đồng nhưng chất lượng kém, ỷ lại, biến đơn vị thẩm tra, thẩm định của chủ đầu tư thành bộ phận KCS của đơn vị thiết kế để hoàn thành hồ sơ. Kiên quyết không nghiệm thu đồ án thiết kế không đúng quy trình quy phạm, xử lý nghiêm hiện tượng tư vấn thiết kế lãng phí, nâng khối lượng làm thất thoát ngân sách nhà nước;

Trình tự thực hiện và quản lý chất lượng khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại điều 12, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Trong giai đoạn khảo sát, bố trí cán bộ chuyên môn, kinh nghiệm để thị sát hướng tuyến, nghiên cứu kỹ địa hình, địa mạo khu vực dự án, lập đề cương khảo sát chi tiết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khảo sát đặc biệt là công tác khảo sát địa chất. Trong quá trình tổ chức nghiệm thu phải rà soát, đối chiếu kỹ hồ sơ với thực tế hiện trường, tránh tình trạng kết quả khảo sát không phù hợp với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh hoặc thay đổi lại thiết kế;

Trình tự thực hiện và quản lý chất lượng thiết kế xây dựng theo đúng quy định tại điều 18, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo đúng trình tự quy định tại điều 20, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Trước khi gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm tra, Chủ đầu tư phải kiểm tra, xem xét chất lượng của hồ sơ thiết kế, dự toán, tránh trường hợp hồ sơ phải thẩm tra nhiều lần, ỷ lại vào cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thành hồ sơ;

Trong quá trình thẩm định, Chủ đầu tư bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc, nghiên cứu, kết hợp kiểm tra hồ sơ với hiện trường để lựa chọn được các giải pháp kỹ thuật tối ưu, tận dụng vật liệu tại công trường để giảm chi phí xây dựng đồng thời đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế đúng quy trình, quy phạm hiện hành.

Đơn vị tư vấn

Thực hiện công tác khảo sát, thiết kế theo đúng Hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư. Thiết kế công trình đúng quy chuẩn, tiểu chuẩn kỹ thuật hiện hành, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan, tiết kiệm chi phí và hiệu suất đầu tư;

Công tác khảo sát phải thực hiện đầy đủ, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình. Nâng cao chất lượng công tác đo đạc, kiểm đếm số liệu tại hiện trường như đo vẽ bình đồ, trắc dọc, trắc ngang, điều tra mỏ vật liệu, số liệu địa chất, thủy văn,… thực hiện đầy đủ thí nghiệm hiện trường và trong phòng. Số liệu khảo sát phải đầy đủ, chính xác đủ cơ sở để phục vụ công tác thiết kế theo quy định;

Công tác thiết kế phải đảm bảo độ chính xác của kích thước công trình, bộ phận công trình, các thông số giải pháp kỹ thuật, vật liệu sử dụng cho công trình và biện pháp thi công. Trong quá trính thiết kế phải nghiên cứu và đề xuất với Chủ đầu tư các giải pháp kỹ thuật tối ưu, ưu tiên các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo hiệu quả kỹ thuật – kinh tế, giảm thiểu tác động xã hội;

Xác định chính xác dự toán, tổng dự toán xây dựng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đầu tư. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức việc thiết kế lãng phí, nâng khối lượng công trình làm thất thoát ngân sách nhà nước;

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, lập bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) nội bộ để kiểm tra chất lượng các hồ sơ trước khi trình chủ đầu tư. Trong quá trình thẩm định, phê duyệt, khi có ý kiến kiểm tra, xem xét của Chủ đầu tư, cơ quan quản lý chuyên ngành, đơn vị phải tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa hồ sơ thiết kế theo đúng quy trình, quy phạm;           

      Tư vấn phải nghiêm túc chịu trách nhiệm đối với sản phẩm thiết kế của mình. Trong quá trình thi công, phối hợp với với Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu thi công để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế và xử lý phát sinh trong quá trình thi công. Thực hiện công tác giám sát tác giả theo đúng quy định tại điều 28, Nghị định 15/2013/NĐ-CP.

Trong giai đoạn thi công xây dựng công trình

Chủ đầu tư, Ban QLDA

 Lựa chọn các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát có đủ điều kiện về năng lực tài chính, thiết bị, con người và có uy tín khi thực hiện dự án. Tăng cường kiểm tra năng lực thực tế trong quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu và lựa chọn nhà thầu, đặc biệt đối với các gói thầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu lần đầu tham gia dự thầu có khả năng trúng thầu;

 Phối hợp tốt với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, tránh tình trạng bàn giao mặt bằng không đồng bộ;

 Các Chủ đầu tư, Ban QLDA phải có bộ phận thường trực đủ năng lực theo dõi tại hiện trường, kịp thời xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được quy định;

 Tập trung kiểm tra chỉ đạo tại hiện tường, kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng trên công trường của nhà thầu, trường hợp nhà thầu không có hệ thống quản lý chất lượng hoặc có nhưng không đảm bảo thì yêu cầu thực hiện đúng quy định. Lập kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất công trình xây dựng theo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khâu: Tổ chức giám sát quá trình thi công xây lắp, quản lý chất lượng thi công xây lắp của nhà thầu;

  Trình tự thực hiện và quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo đúng quy định tại Điều 23, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Các công trình, hạng mục công trình quy định tại khoản 1, Điều 21, Nghị định 15/2013/NĐ-CP phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác trước khi đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư phải báo cáo công tác hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình theo khoản 2, Điều 32, Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Kiên quyết không nghiệm thu các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ các quy trình quy phạm.

  Trong thời gian bảo hành, Chủ đầu tư, Ban QLDA có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý khai thác, sử dụng công trình kiểm tra, phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng để yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục, sửa chữa.

  Đơn vị Tư vấn giám sát

  Nghiêm túc thực hiện theo đúng Hợp đồng tư vấn giám sát với Chủ đầu tư. Thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật, Quy chế tư vấn giám sát thi công xây dựng trong ngành Giao thông Vận tải (ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và các quy định hiện hành;

Công tác kiểm tra thi công

  Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của các chức danh giám sát, lập kế hoạch và quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, phương pháp quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình giám sát thi công xây dựng;

 Kiểm tra, soát xét lại các bản vẽ thiết kế của hồ sơ mời thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật, đề xuất với Chủ đầu tư phương án giải quyết những tồn tại hoặc điều chỉnh trong hồ sơ thiết kế cho phù hợp với thực tế; thực hiện thẩm tra, ký xác nhận bản vẽ thi công do nhà thầu lập và trình chủ đầu tư phê duyệt;

 Kiểm tra, giám sát và xác nhận số lượng, chất lượng nhân lực, vật tư, thiết bị thi công của nhà thầu đưa vào công trường, kiểm tra bố trí mặt bằng thi công, bãi tập kết vật liệu (kho, bãi đúc, bãi chứa) và tổ chức công trường thi công (nhà ở, nhà làm việc và điều kiện sinh hoạt khác);

Thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu: Lập bản vẽ thi công, kiểm soát chất lượng thi công, nghiệm thu nội bộ;

 Kiểm soát và xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu, vị trí mỏ vật liệu sử dụng cho công trình đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là cấp phối đá dăm, nhựa đường, vật liệu đặc chủng: gối cầu, khe co giãn, bộ neo dầm, thép cường độ cao,… Theo dõi chặt chẽ công tác thí nghiệm của nhà thầu từ việc lấy mẫu thí nghiệm, lưu giữ mẫu đối chứng, quá trình thí nghiệm, giám định kết quả thí nghiệm, xác nhận thí nghiệm;

 Kiểm tra và chấp thuận thiết kế tổng mặt bằng công trình, thiết kế biện pháp thi công của nhà thầu, giám sát quá trình thi công của nhà thầu đảm bảo các quy định về chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ;

 Tăng cường kiểm soát chặt chẻ công tác tổ chức thi công công trình đúng trình tự theo hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật và biện pháp thi công đã được phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;

  Nghiệm thu các công việc do nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng, kiên quyết không nghiệm thu các hạng mục không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức việc thông đồng với nhà thầu để nghiệm thu các hạng mục công việc không đảm bảo chất lượng hoặc nghiệm thu khống khối lượng thi công xây dựng.

 Các Nhà thầu thi công xây dựng công trình

Thi công xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và an toàn theo đúng Hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng và các quy định hiện hành;

 Huy động đầy đủ nhân lực, máy, thiết bị thi công theo đúng cam kết tại Hồ sơ dự thầu và Hợp đồng xây dựng với Chủ đầu tư. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (KCS) của nhà thầu thi công phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô của công trình, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận đối với việc quản lý chất lượng công trình;

 Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;

Cầu treo Đăk Rơ Ve

 Thực hiện nghiêm chỉnh công tác kiểm tra, thí nghiệm vật liệu, cấu kiện, thiết bị trước khi xây dựng, lắp đặt vào công trình;

 Tổ chức thi công công trình đúng trình tự theo hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật và biện pháp thi công đã được phê duyệt. Tuân thủ về đảm bảo giao thông và an toàn giao thông trên đường bộ đang khai thác theo quy định tại chương VI, Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và văn bản số 5955/BGTVT-KCHT ngày 24/6/2013, văn bản số 6135/BGTVT-KCHT ngày 27/6/2013 của Bộ Giao thông vận tải.

Kịp thời thông báo cho Chủ đầu tư nếu phát hiện những sai sót so với hồ sơ thiết kế và thực tế hiện trường. Chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những khiếm khuyết chất lượng đối với những phần việc do mình thực hiện, đồng thời phối hợp với Chủ đầu tư và các ngành chức năng khắc phục hậu quả khi gặp sự cố công trình; 

Lập bản vẽ hoàn công, nhật ký thi công xây dựng và báo cáo về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo yêu cầu và theo đúng quy định hiện hành;

Thực hiện đầy đủ trách nhiệm bàn giao, hoàn trả mặt bằng và bảo hành công trình xây dựng theo đúng các quy định hiện hành. Trong thời gian bảo hành nhà thầu có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết của công trình do lỗi của mình gây ra và chịu mọi chi phí khắc phục, đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.

Tổ Biên tập

 

  
Số lượt xem:1829