Quản lý hành lang an toàn đường bộ
1-8-2013

Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị, đường chuyên dùng, đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông, đường xã) có tổng chiều dài các tuyến khoảng 4.061 Km. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải đang quản lý 227Km 03 quốc lộ theo ủy quyền của Bộ Giao thông Vận tải (Quốc lộ 24, Quốc lộ 40, Quốc lộ 14C) và 450Km các tỉnh lộ (Tỉnh lộ 671, Tỉnh lộ 672, Tỉnh lộ 673, Tỉnh lộ 674, Tỉnh lộ 675, Tỉnh lộ 676, Tỉnh lộ 677, Tỉnh lộ 678, đường Tái định cư thủy điện Plei Krông, đường Đăk Kôi - ĐăkPsi, đường Nam Quảng Nam).

Quản lý hành lang an toàn đường bộ
CT

Tình hình vi pham hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên các tuyến giao thông có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (Thanh tra Sở), trên các tuyến Sở Giao thông Vận tải quản lý, số vụ vi phạm HLATĐB tính đến tháng 3 năm 2013 là 4.781 vụ (thành phố Kon Tum 982 vụ, Đăk Hà 170 vụ, Đăk Tô 263 vụ, Ngọc Hồi 691 vụ, Tu Mơ Rông 301 vụ, Đăk Glei 158 vụ, Sa Thầy 839 vụ, Kon Rẫy 1.269 vụ, KonPlông 108 vụ).

Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải Kon Tum xác định công tác quản lý HLATDB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013;

Từ ngày 16/4/2013 đến ngày 27/4/2013, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động liên hệ và làm việc với UBND các huyện, thành phố Kon Tum (UBND huyện) để thống nhất biện pháp phối hợp quản lý HLATĐB. Cùng tham dự các buổi làm việc có lãnh đạo các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện; UBND xã, phường, thị trấn (UBND xã) có tuyến đường giao thông (quốc lộ được ủy thác quản lý và hệ thống tỉnh lộ) đi qua, các doanh nghiệp được Sở Giao thông Vận tải giao quản lý đường bộ (đơn vị quản lý đường), Thanh tra Sở.

Qua làm việc, các bên xác định được việc quản lý HLATĐB thời gian qua còn một số tồn tại yếu kém, cụ thể như sau

Một là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý HLATĐB của Sở Giao thông Vận tải, của Thanh tra Sở, của các đơn vị quản lý đường, của chính quyền các cấp huyện, xã chưa thường xuyên, chưa sâu rộng và chưa hiệu quả. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý HLATĐB của đa số người dân chưa nâng cao;

Hai là, việc phát hiện vi phạm HLATĐB của đơn vị quản lý đường bộ chưa kịp thời; chưa có giải pháp tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm để cùng tham gia phát giác vi phạm HLATĐB;

Ba là, các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện, UBND xã chưa đề cao trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm HLATĐB, chưa phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở, đơn vị quản lý đường để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm HLATĐB mới phát sinh;

Bốn là, các cơ quan, đơn vị có liên quan chưa kiên quyết giải tỏa triệt để các công trình vi phạm HLATĐB sau khi phát hiện.

Đồng thời, qua đó đã xác định trách nhiệm các bên có liên quan để phối hợp quản lý HLATĐB trong thời gian đến

            Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải

Tổ chức rà soát, bổ sung đủ hệ thống cọc mốc lộ giới, biển hướng dẫn về HLATĐB trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; bàn giao hệ thống cọc mốc lộ giới cho UBND xã để quản lý, bảo vệ;

Chỉ đạo Thanh tra Sở, đơn vị quản lý đường phối hợp với UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB;

Chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tuyến đang quản lý để đảm bảo giao thông thông suốt;

Chỉ đạo Thanh tra Sở, đơn vị quản lý đường tham gia Tổ cưỡng chế vi phạm HLATĐB của UBND huyện khi được thành lập.

Trách nhiệm của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải

Trên cơ sở quy định hiện hành về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB, tổ chức biên soạn tài liệu cung cấp cho đơn vị quản lý đường bộ phô tô gửi UBND xã để phục vụ công tác tuyên truyền;

Phối hợp với các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện, UBND xã và đơn vị quản lý đường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB;

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra về HLATĐB, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm HLATĐB; khi nhận được báo cáo về vi phạm HLATĐB của đơn vị quản lý đường hoặc phản ánh vi phạm HLATĐB của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thanh tra Sở phải có mặt kịp thời tại hiện trường, phối hợp với đơn vị quản lý đường và UBND xã lập biên bản vi phạm. Nội dung biên bản phải xác định cụ thể thời hạn cam kết tháo dỡ công trình vi phạm để UBND xã, đơn vị quản lý đường bộ và Thanh tra Sở tiếp tục vận động, thuyết phục đối tượng vi phạm tự giác tháo dỡ. Ngày nghỉ, ngày lễ, nếu UBND xã không tham gia xử lý thì Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với đơn vị quản lý đường lập biên bản vi phạm và ghi lại hình ảnh vi phạm để làm việc với UBND xã trong buổi làm việc đầu tiên kế tiếp;

Quá thời hạn cam kết, nếu công trình vi phạm chưa được tháo dỡ thì Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường, UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính và gửi ngay (không quá 02 ngày) cho UBND huyện để tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định;

Tham gia là thành viên của Tổ cưỡng chế vi phạm HLATĐB của UBND huyện khi được thành lập.

Trách nhiệm của đơn vị quản lý đường

Phối hợp với các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện, UBND xã và Thanh tra Sở tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB;

Tổ chức tuần đường thường xuyên theo Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tuần tra, kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Khi phát hiện vi phạm HLATĐB hoặc phản ánh vi phạm HLATĐB của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý đường có trách nhiệm yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay việc xây dựng công trình vi phạm, đồng thời báo cáo ngay cho Thanh tra Sở, UBND xã nơi có công trình vi phạm đến hiện trường để cùng phối hợp lập biên bản vi phạm;

Vận động, thuyết phục để tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm;

Tham gia là thành viên của Tổ cưỡng chế vi phạm HLATĐB của UBND huyện khi được thành lập; cung cấp nhân lực, phương tiện, máy móc phục vụ cho công tác giải tỏa, cưỡng chế;

Phối hợp Thanh tra Sở theo dõi, đôn đốc việc xử lý vi phạm HLATĐB của chính quyền cấp huyện, xã. 

Trách nhiệm của UBND huyện

Thực hiện “Trách nhiệm của UBND cấp huyện” theo Điều 41 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ;

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng nhà ở, công trình dọc hai bên tuyến tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; không cấp giấy phép xây dựng nhà ở, công trình trong đất HLATĐB; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép trong đất HLATĐB; gắn trách nhiệm quản lý HLATĐB cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của UBND xã;

Chỉ đạo UBND xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB cho nhân dân trên địa bàn;

Chỉ đạo UBND xã và các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện đề cao trách nhiệm, phối hợp với Thanh tra Sở và đơn vị quản lý đường trong việc phát hiện vi phạm HLATĐB, lập biên bản vi phạm, vận động, thuyết phục người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm;

Quyết định xử lý hành chính hoặc giao UBND xã quyết định xử lý hành chính theo quy định đối với những trường hợp Thanh tra Sở lập biên bản vi phạm hành chính khi chuyển đến; thành lập Tổ cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế vi phạm HLATĐB khi đối tượng vi phạm không chấp hành Quyết định xử lý hành chính.

Trách nhiệm của UBND xã

Thực hiện “Trách nhiệm của UBND cấp xã” theo Điều 42 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng nhà ở, công trình dọc hai bên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ; không cấp giấy phép xây dựng nhà ở, công trình trong đất HLATĐB; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng trái phép trong đất HLATĐB. Theo quy định về xử lý hành chính, UBND xã chủ động tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong quản lý HLATĐB và xử lý theo quy định; nếu vượt thẩm quyền, báo cáo UBND huyện;

Chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường, Thanh tra Sở tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB cho nhân dân trên địa bàn; nội dung, biện pháp tuyên truyền phải thiết thực, hiệu quả.

Có giải pháp để các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh các trường hợp vi phạm HLATĐB cho UBND xã, các Phòng, Ban chuyên môn của UBND huyện, đơn vị quản lý đường và Thanh tra Sở để kịp thời lập biên bản vi phạm ngay từ ban đầu (khi mới đào móng hoặc bắt đầu xây dựng);

Khi nhận được tin báo về vi phạm HLATĐB của đơn vị quản lý đường hoặc phản ánh vi phạm HLATĐB của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, UBND xã có trách nhiệm cử cán bộ và lực lượng bảo đảm an ninh trật tự đến ngay hiện trường để phối hợp với Thanh tra Sở và đơn vị quản lý đường lập biên bản vi phạm và vận động, thuyết phục để hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm;

Ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo chỉ đạo của UBND huyện đối với tổ chức, cá nhân vi phạm đã được Thanh tra Sở lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời tiếp tục vận động, thuyết phục tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ công trình đã lập biên bản;

Tham gia là thành viên của Tổ cưỡng chế vi phạm HLATĐB của UBND huyện khi được thành lập;

Xử lý vi phạm HLATĐB

Đối với các trường hợp vi phạm HLATĐB còn tồn đọng chưa giải quyết, các bên thống nhất giải pháp xử lý

Bước 1, vận động thuyết phục đối tượng vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm:

Trên cơ sở hồ sơ vi phạm đã được Thanh tra Sở lưu giữ, Thanh tra Sở phối hợp với đơn vị quản lý đường, UBND xã tiếp tục vận động thuyết phục tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm; đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm có văn bản cam kết thời hạn tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Bước 2, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính:

Hết thời hạn theo cam kết (bước 1), nếu công trình vi phạm chưa được tháo dỡ thì Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường và UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển ngay cho UBND huyện để xử lý hành chính theo quy định;

Thanh tra Sở, đơn vị quản lý đường tiếp tục phối hợp tham gia với các bên có liên quan để xử lý các bước tiếp theo thẩm quyền sau khi UBND huyện ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Trong bước tổ chức thực hiện công tác phối hợp, các bên cũng đã thống nhất

UBND huyện có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình đã được thống nhất tại biên bản và các quy định pháp luật khác có liên quan; tổ chức triển khai nội dung làm việc đến các Phòng, Ban chuyên môn có liên quan thuộc UBND huyện, đến UBND các xã có tuyến giao thông đi qua;

Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở đã được thống nhất tại biên bản và các quy định pháp luật khác có liên quan; tổ chức triển khai nội dung làm việc đến các Phòng, Ban chuyên môn có liên quan thuộc Sở, đến Thanh tra Sở và các đơn vị quản lý đường.

Định kỳ hàng năm Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND từng huyện để đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý HLATĐB các tuyến giao thông đi qua địa bàn huyện.

Kết quả bước đầu

Theo đó, qua phối hợp triển khai, công tác quản lý HLATĐB trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Từ tháng 5 năm 2013 đến nay, qua tuyên truyền, vận động đã có 93 công trình vi phạm HLATĐB được các hộ dân tự giác tháo dỡ (Báo cáo số 170/BC-TTrS ngày 01/8/2013 của Thanh tra Sở); đây là thành công bước đầu đạt được. Vấn đề này thể hiện được nhận thức về HLATĐB của người dân ngày một nâng cao; người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật về quản lý HLATĐB;

Đây cũng chính là kết quả của sự nỗ lực từ các cơ quan đơn vị có liên quan; đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền cấp huyện, xã, và sự đồng thuận hưởng ứng của người dân về quản lý HLATĐB.  

Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, kết hợp với nỗ lực của các bên có liên quan trong công tác phối hợp quản lý HLATĐB, cùng với sự đồng thuận của người dân trên địa bàn, chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian đến HLATĐB trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ được quản lý tốt hơn, đường giao thông ngày càng thông thoáng, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người.

Vì hạnh phúc cho mọi nhà, chúng ta hãy cùng quản lý tốt hành lang an toàn đường bộ!

Phụ lục: Biên bản cuộc họp với UBND các huyện, thành phố về HLATĐB  - Thành phố Kon Tum,  Huyện Đăk TôHuyện Kon Rẫy, Huyện Đăk Hà, Huyện Đăk Glei, Huyện Tu Mơ Rông, Huyện Kon Plông, Huyện Sa Thầy, Huyện Ngọc Hồi

                                                                                                                                                                                                Tổ Biên tập 

 

  
Số lượt xem:1154