Quy hoạch giao thông nông thôn tỉnh Kon Tum |
11-11-2013 |
Ngày 24/10/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 834/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GTNT tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Quy hoạch được phê duyệt bao gồm 2 nội dung chính đó là: điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (HKCC) bằng xe buýt.
|
Về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GTNT tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những mục tiêu mà Quy hoạch đưa ra bao gồm: phấn đấu nâng mật độ đường giao thông tại các vùng kinh tế, thị trấn, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum; kéo dài một số tuyến tỉnh lộ, chuyển một số đường huyện lên thành đường tỉnh; đổi tên, phân chia các tuyến đường nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và khai thác; xây dựng thêm những tuyến đường mới và nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn; phát triển mạng lưới đường bộ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2030 là 55.313 tỷ đồng; trong đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng vận tải là 70 tỷ đồng, còn lại là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Về Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (HKCC) bằng xe buýt, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 5% và đến năm 2030 đạt 15% tổng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực thành phố Kon Tum và từ trung tâm thành phố Kon Tum đến trung tâm các huyện; đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đồng bộ và phù hợp với các loại hình vận tải khác; xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hợp lý, phù hợp với hạ tầng giao thông hiện tại và các định hướng quy hoạch tương lai; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đề cao tính văn hoá, văn minh đô thị, thân thiện môi trường. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển vận tải HKCC bằng xe buýt là 105,7 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho phương tiện là 62,6 tỷ đồng, còn lại là đầu tư kết cấu hạ tầng cho xe buýt. (Hình ảnh: Xe buýt Thái Hòa hoạt động từ năm 2007 đến nay)
Theo Quy hoạch được duyệt, Sở Giao thông Vận tải Kon Tum là cơ quan tổ chức công bố Quy hoạch theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành chức năng trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hằng năm, 5 năm, các chương trình, đề án, dự án cụ thể và đề xuất các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; Sở Giao thông Vận tải cũng là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch. Bên cạnh đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của địa phương mình có trách nhiệm tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện Quy hoạch; định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển GTNT tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 về Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum./. Tổ Biên tập |
Số lượt xem:846 |