Kon Tum: Giao thông xóa bỏ tàn tích chiến tranh
4-5-2015

Kon Tum đang từ thế ngõ cụt vươn ra thông thương với khắp các vùng miền và quốc tế.

Án ngữ phía Bắc Tây Nguyên, trong kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum từng là địa bàn khói lửa, bom rơi, đạn nổ. Sau 40 năm giải phóng, nhất là sau 24 tái lập tỉnh, giao thông phát triển đồng bộ đã giúp Kon Tum đang từ thế ngõ cụt vươn ra thông thương với khắp các vùng miền và quốc tế.

Kon Tum: Giao thông xóa bỏ tàn tích chiến tranh
CT

Sở GTVT Kon Tum chỉ đạo lực lượng TTGT điều tiết giao thông cho đợt cao điểm thảm bê tông nhựa

Một thời khói lửa

Trong kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum là địa bàn chiến sự ác liệt nhất vì án ngữ mặt trận Bắc Tây Nguyên, hướng tấn công chủ yếu của bộ đội ta, từ Bắc vào và từ Nam Lào sang. Bởi vậy, trên chiến trường Tây Nguyên diễn ra 10 chiến dịch lớn thì riêng tại Kon Tum đã diễn ra 7 chiến dịch với những địa danh nổi tiếng như: Đắk Tô, Tân Cảnh, Ngọc Tô Ba, Ngọc Rinh Rua, Đắk Xiêng, Bu Prang, Sa Thầy, chiến dịch Bắc Tây Nguyên... Đồng bào các dân tộc ở Kon Tum đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho kháng chiến.

Trước đây, nơi này là căn cứ kháng chiến, nhiều căn cứ hậu cần, “là rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Các địa bàn của Kon Tum thời đó cũng được gọi theo mật danh như: H16, H29, H30, H67, H80, riêng TP Kon Tum có mật danh là H5, vùng Kon Hrung (nay là huyện Đắk Hàn) là H9. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị T.Ư Đảng họp phân tích tình hình địch - ta trên chiến trường, từ đó quyết định chớp thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện chủ trương trên, quân và dân Kon Tum đã chuẩn bị về mọi mặt, sức người, sức của cho trận quyết thắng cuối cùng. Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn, cùng với các mặt trận khác, tại Kon Tum, bộ đội địa phương đã phối hợp với lực lượng chủ lực tiến hành đánh chiếm các khu quân sự, khống chế sân bay, tấn công khu cảnh sát dã chiến, trạm tiếp điện Chư Hreng...

Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, ngày 14/3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân chiến thuật khỏi địa bàn Tây Nguyên để tử thủ vùng quanh Sài Gòn. Tỉnh trưởng Kon Tum khi đó là Phạm Đình Hùng và bộ máy chính quyền sở tại không hề hay biết. Ngày 15/3, trên đường rút khỏi Tây Nguyên, quân địch bị ta chặn đánh tan tác trên đường 14.

Ngày 16/3/1975, quân giải phóng từ nhiều hướng áp sát thị xã Kon Tum, chiếm quận Đắk Tô, tiếp đó chiếm Tòa thị chính, các vị trí quân sự, chính trị trọng yếu... và toàn bộ tỉnh Kon Tum chính thức được giải phóng. Chiến thắng vang dội này đã góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Từ “ngõ cụt”  tới thông thương quốc tế

Ngày nay, thường xuyên về công tác tại các vùng nông thôn tỉnh Kon Tum, chúng tôi nhận thấy, từ thành thị đến nông thôn, cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất đã có sự hiện diện của những con đường mới được xây dựng. Giao thông phát triển tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa; đời sống bà con vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên rõ rệt...  

Cái đói, cái nghèo cũng dần lùi xa thay thế bằng sự sung túc, no đủ, hạnh phúc. Không còn cảnh “ngủ rừng, nằm đường”, đi bộ hai ba ngày để lên xã, lên huyện. Bởi hiện nay, 100% các xã trong tỉnh đã có đường ô tô vào đến trung tâm xã. Điều đáng mừng là mặc dù trong điều kiện tỉnh nghèo, nguồn ngân sách eo hẹp, Kon Tum đã có những quyết sách, chủ trương hợp lý, hợp tình, được sự ủng hộ của người dân như phong trào làm đường giao thông nông thôn, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đã có hàng trăm người dân tự động hiến đất làm đường, góp ngày công lao động để sửa chữa và bê tông hóa các tuyến đường, các con hẻm, giao thông nông thôn,  xây dựng lên những tuyến đường đầy ý nghĩa.

Để đảm bảo  thảm nhựa xong trước ngày 30/5, nhà thầu Trường Long đã liên tục tổ chức thảm nhựa ban đêm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Điều đầu tiên cần nói đến chính là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với việc phát triển hệ thống giao thông. Sự chủ động của ngành trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nhiều công trình giao thông trên địa bàn. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng như đường Hồ Chí Minh, QL24, QL14C, QL40, QL40B, các tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông…

Đồng thời, phối hợp với các địa phương xây dựng các tuyến đường kết nối liên huyện như đường Đắk Kôi - Đắk Pxi; Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; các đường giao thông Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các vùng kinh tế động lực: Ngọc Hồi, TP Kon Tum, Măng Đen, huyện Kon Plông… và nhiều tuyến đường thôn xã trên các huyện, thành phố…

Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn đã có nhiều thay đổi tích cực đang hướng tới việc liên kết vùng và quốc tế. Hệ thống giao thông đảm bảo giao lưu thuận tiện cả bốn hướng - đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam bằng đường Hồ Chí Minh, xuống các tỉnh ven biển Nam Trung bộ bằng QL24 và kết nối với các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan bằng QL40...

Với hệ thống giao thông phát triển đồng bộ và toàn diện, nên Bộ GTVT đã  giao cho Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh- Kon Tum có chiều dài khoảng 24 km. Đây là dự án trọng điểm được Quốc hội và Chính phủ quan tâm. Chính vì vậy, Sở GTVT đã lựa chọn các nhà thầu địa phương có đủ năng lực và kinh nghiệm để tham gia thực hiện dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã phối hợp tốt với các địa phương có tuyến đi qua thực hiện tốt công tác GPMB được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ GTVT đánh giá cao. Chủ đầu tư kiên quyết chỉ đạo Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công xây dựng, không vì tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án. 

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã chỉ đạo TTGT phối hợp với Phòng CSGT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, không để việc thi công làm ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường huyết mạch này. Đại diện nhà thầu Công ty CP Trường Long cho biết, đến nay toàn tuyến đang đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thảm bê tông nhựa lớp 2 và sẽ hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa trước 31/5.

 Nguồn: Báo Giao thông

  
Số lượt xem:731