Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum, Gia Lai về đích sớm
29-6-2015

Hôm qua (28/6), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum chính thức thông xe toàn tuyến dự án đường HCM qua Gia Lai, Kon Tum, vượt tiến độ đề ra.

Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum, Gia Lai về đích sớm
CT


Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên 

Hơn 100 km đường HCM qua Gia Lai về đích sớm

Sáng 28/6, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai chính thức thông xe toàn tuyến dự án đường HCM qua Gia Lai.

Dự án đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663 km từ Đăk Zôn, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Từ ngày 20/6, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu toàn tuyến đường HCM. Ngày 26/6, Hội đồng nghiệm thu đã tổ chức hội nghị đánh giá toàn dự án. Sau khi Hội đồng nghiệm thu kiểm tra thực tế và nghe báo cáo đánh giá, nhận xét của các đơn vị liên quan như thiết kế, tư vấn giám sát, Ban QLDA đường HCM, các chuyên gia thành viên Hội đồng nghiệm thu..., Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước Lê Quang Hùng cho biết, Hội đồng nhất trí nghiệm thu các dự án trên toàn tuyến đường HCM qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước. Theo kế hoạch, từ ngày 27 - 30/6 Bộ GTVT sẽ tổ chức thông tuyến tất cả 11 dự án trên đường HCM.

Tuyến đường này đã được đầu tư 110 km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007), còn lại 553km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008).

Toàn tuyến đường HCM tính từ TP Pleiku, Gia Lai đến Chơn Thành, Bình Phước có chiều dài khoảng trên 400 km, riêng Tập đoàn Đức Long Gia Lai được Bộ GTVT cho phép đầu tư thực hiện với ba dự án lớn. Tổng chiều dài khoảng 250 km với tổn mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. 

Tại buổi thông xe dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Gia Lai, Đắk Nông, ông Bùi Pháp, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, quá trình thi công đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Đức Long đã cố gắng hết mình trong triển khai thi công. Các dự án thi công đường Hồ Chí Minh đã vượt tiến độ trước 6 tháng. Đặc biệt việc kết thúc dự án trước mùa mưa năm 2015 giúp cho người dân thông thương trên toàn tuyến. 

Riêng đoạn BOT tại tỉnh Gia Lai có chiều dài khoảng 60 km, nhà đầu tư này cũng đã cho triển khai lắp đặt trạm thu phí ở hai đầu tuyến đường. Cụ thể, tại khu vực dốc Hàm Rồng, TP Pleiku và điểm cuối tại gần Cầu 110, huyện Chư Pưh, Gia Lai. 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ghi nhận nỗ lực Ban QLDA đường HCM và của chủ đầu tư Đức Long Gia Lai cũng như những nhà thầu thi công đường HCM qua Gia Lai. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhắc nhở các nhà thầu phải tiếp tục bảo đảm tốt các công tác ATGT, chất lượng công trình trong thời gian bảo hành dự án.

Hơn 23 km đường HCM qua Kon Tum về đích sớm 18 tháng

Ngày 28/6, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lễ thông xe tuyến đường HCM qua Kon Tum.

Ông Huỳnh Tấn Phục, Giám dốc Sở GTVT Kon Tum cho biết: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh -Kon Tum, tỉnh Kon Tum dài 34,6 km (Km 1512+100 - Km1546+700) đi qua các huyện Đắk Tô, Đắk Hà và TP Kon Tum, được Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định số 1171/QĐ-BGTVT ngày 6/5/2010, tổng mức đầu tư 860 tỷ đồng, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Điểm đầu tại Km 1512+100 thuộc địa phận huyện Đắk Tô, kết thúc tại Km 1546+700 thuộc địa phận TP Kon Tum, tổng chiều dài toàn các đoạn cải tạo nâng cấp 23,7 km.

Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ GTVT; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các bộ ngành T.Ư cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương huyện Đăk Hà, Đăk Tô, TP Kon Tum, đồng thời được nhân dân sinh sống hai bên tuyến đường chia sẻ, ủng hộ trong quá trình đền bù, GPMB nên công tác GPMB của dự án sớm hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu triển khai thi công.

Phát biểu quyết định thông tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Dự án đường HCM qua Kon Tum được thi công đúng theo thiết kế, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Quá trình thi công tuân thủ các biện pháp đảm bảo về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Trước đó, chiều 27/6, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức thông tuyến 119 km đường HCM qua tỉnh Đắk Lắk trước 18 tháng.

Giao thông êm thuận, thông suốt

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: “Trong quá trình thi công, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành hợp lý như xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với đặc thù thời tiết khu vực Tây Nguyên, kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đá, tập kết vật liệu (đá, nhựa đường) để chủ động nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ; thành lập Tổ chuyên gia chất lượng kiểm soát chất lượng, kiên quyết loại bỏ và thay thế các nhà thầu, TVGS vi phạm tiến độ, chất lượng…; cùng với các đơn vị thi công, TVGS ngày đêm bám sát công trường, thi công liên tục ba ca để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Nhờ đó, các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước triển khai cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trên toàn tuyến chưa xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt. 

Theo các tài xế xe đường dài, với những đoạn đường được thông xe, các phương tiện chỉ mất 8 - 9 giờ lưu thông từ Buôn Ma Thuột về TP HCM, giảm 3 giờ so với trước đây. 

Việc thông xe toàn tuyến dự án đường HCM qua Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk sớm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Khi các đoạn tuyến hoàn thành, giao thông trên tuyến đã thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng, tạo “sức bật” cho phát triển KT-XH, giảm thiểu TNGT, làm thay đổi bộ mặt vùng Tây Nguyên rộng lớn.

Nguồn Báo Giao thông

  
Số lượt xem:1738