Cách nào đột phá phát triển giao thông nông thôn?
6-7-2015

Việc tạo bước đột phá trong phát triển giao thông thời gian tới có ý nghĩa quan trọng để phát triển KT-XH khu vực nông thôn.

Sáng nay (6/7), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương…

Cách nào đột phá phát triển giao thông nông thôn?
CT

PTT

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng và các thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì Hội nghị tổng kết phát triển giao thông nông thôn 5 năm 2010 - 2015. 

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hệ thống GTNT hiện nay phục vụ cho gần 70% dân số cả nước. Hệ thống GTNT không chỉ là những tuyến đường huyết mạch nối các trung tâm huyện với xã hoặc nối các trung tâm xã với nhau mà còn là các tuyến đường liên thôn, liên xóm, kể cả đường bờ mương, bờ vùng, bờ thửa… để nối các khu dân cư, thôn xóm, phục vụ đời sống dân sinh tại các vùng nông thôn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo: "Đến thời điểm này, cả nước có 492.892/570.448 km đường, chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ. Như vậy, chỉ trong 5 năm qua đường GTNT đã tăng thêm 217 nghìn km, trong đó đường huyện tăng 10.500 km, đường xã và về thôn xóm tăng 101 nghìn km. Ngay cả đường trục nội đồng nay đã được thống kê có 108 nghìn km. Đến nay cũng có 220.000/492.892 km đường GTNT được cứng hoá…"

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Kon Tum

"Điều quan trọng nhất là người dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và được biết mọi vấn đề liên quan đến tài chính. Hầu hết các đường liên thôn, ngõ xóm do dân tự thu, tự làm nên giá thành hạ, chất lượng đảm bảo. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, kinh phí đầu tư cho xây dựng GTNT của tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí đối với các xã đồng bằng, 50% đối với các xã trung du, 60% các xã miền núi và 100% đối với 17 xã khó khăn, phần còn lại do nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức”.

Ông Hoàng Văn Minh
Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc

Để đạt được kết quả này, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể là do các tỉnh đã nhìn thấy tầm quan trọng của đường GTNT đối với đời sống người dân. Đảng và Chính phủ thời gian qua cũng triển khai xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển GTNT. Một nguyên nhân quan trọng nữa là người dân rất đồng tình với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bởi họ thấy rõ được lợi ích của các công trình trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, chữa bệnh, phát triển kinh tế…

“Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, thể hiện sự đồng tâm hiệp lực của Đảng, Nhà nước, xã hội, người dân trong việc huy động nguồn vốn phát triển GTNT”, Thứ trưởng Thể nói.

Đến thời điểm hiện nay có thể nói cơ bản các chỉ tiêu chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chúng ta đạt theo tiến độ. Về mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới thì hết năm nay cả nước đã có 25% số xã đạt được tiêu chí về giao thông.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, nói tới các mô hình tốt phát triển GTNT thời gian qua, phải nhắc đến cả hai cấp độ. Thứ nhất, đó là các chủ trương, chính sách của chính quyền các địa phương. Một số địa phương, Tỉnh ủy, HĐND đã ban hành Nghị quyết riêng về phát triển GTNT. Tiếp đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Với mô hình này, ngân sách tỉnh, huyện, xã sẽ tập trung được nguồn lực tương đối lớn để phát triển GTNT. Với cách làm này, nhiều tỉnh đã hoàn thành các tiêu chí về GTNT với tỷ lệ rất cao như: TP Cần Thơ đạt chuẩn 92%, Bình Dương đạt 90%, Vĩnh Phúc 86%... Cái được của mô hình này là đã huy động được cả hệ thống chính trị đồng tâm hiệp lực để làm.

HNGT

Hội nghị tổng kết 5 năm phát triển giao thông nông thôn được tổ chức sáng 6/7 tại Hà Nội với sự tham dự của đại biểu đến từ 63 tỉnh thành và các bộ ban ngành.

Một mô hình được nhiều người biết tới là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng có sự chỉ đạo tập trung từ Tỉnh ủy. Mô hình này được thể hiện rõ ở Tuyên Quang, Phú Yên. Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Đề án về phát triển GTNT, trong đó kêu gọi người dân góp sức cùng tham gia với Nhà nước. Chẳng hạn như: Tuyên Quang đã hỗ trợ toàn bộ xi măng, ống cống và vận chuyển đến tận công trình còn người dân hiến đất, vật liệu xây dựng và tổ chức triển khai thi công. Tuyên Quang đã cộng đồng trách nhiệm và đã phát triển được 2.500 km đường GTNT theo hình thức này. Phú Yên cũng ban hành một quy định tương tự, nhưng ngoài hỗ trợ toàn bộ xi măng địa phương này còn hỗ trợ một khoản kinh phí từ 2–3 triệu đồng cho 1 km đường GTNT. Hơn hai năm Phú Yên đã phát triển được 1.400 km đường GTNT. Mô hình này có chung một mẫu số là kết hợp vốn ngân sách với sức dân và được người dân rất đồng tình.

Mô hình khác cũng rất đáng chú ý là việc thành lập các hội từ thiện quyên góp xây dựng GTNT tại Đồng Tháp, Bến Tre. Tại đây, các địa phương lập các Hội cầu đường ở các cấp (tỉnh, huyện, xã) và đi vận động kinh phí làm cầu đường từ các hội đồng hương, các cá nhân thành đạt, mạnh thường quân tại địa phương... Tại Đồng Tháp, chỉ trong hai năm đã huy động được 88 tỷ đồng, xây dựng 200 cây cầu nông thôn. Bến Tre cũng làm tương tự và tạo bước đột phá về GTNT…

Điều nhận thấy là các mô hình trên đều giống nhau là huy động được nguồn vốn xã hội kết hợp với sự hỗ trợ của chính quyền. Đây là những mô hình cần được nhân rộng.

Tăng cường sự giám sát của người dân

81

Những con đường mới giúp trẻ em tới trường dễ dàng hơn, hàng hóa lưu thông nhanh, rẻ hơn.

Để tạo đột phá về GTNT trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước tiên là phải rà soát các chiến lược, quy hoạch, chương trình lớn về phát triển GTNT để điều chỉnh, định hướng phát triển GTNT bền vững, không bị lạc hậu. Nếu làm không tốt có thể dẫn đến tình trạng nay làm mai lại phá rất lãng phí. Vì thế chiến lược phải có sự tập trung. Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành chính sách để có một phần kinh phí thoả đáng cho công tác bảo trì. Hiện nay, công tác này đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức nên có những trường hợp xảy ra sập cầu, nhiều đường sá, cầu cống hư hỏng không được bảo dưỡng.

 

“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí mua và vận chuyển xi măng, ống cống, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý kỹ thuật 2 triệu đồng/km. Trong số trên 2.500 km đường đã được bê tông hóa, người dân đã hiến trên 41 nghìn m2 đất. Việc vận động nhân dân hiến đất làm đường đã khó, tránh thất thoát trong xây dựng còn khó hơn. để giải quyết vấn đề này, ngay tại các xã đã thành lập Ban xây dựng đường bê tông của xã; các thôn, xóm, bản, thành lập Ban quản lý, Ban giám sát cộng đồng để thực hiện”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng

Phó Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang

Một giải pháp nữa là cần tăng cường sự giám sát nhân dân. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện. Đặc biệt là với kinh phí huy động và thi công phải tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua Ban giám sát cộng đồng có sự tham gia của HĐND, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi từ công trình do dân bầu…

Hiện nay, lực lượng quản lý GTNT rất yếu kém, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện chứ cấp xã không có. Cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều thứ nên GTNT ở cấp xã không có người quản lý. Vì thế, cần có cơ chế chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã. Bộ phận này không cần thiết phải có thêm biên chế mà chỉ cần bố trí một người có trách nhiệm theo dõi về giao thông vì hạ tầng giao thông ngày càng trở thành một tài sản lớn của nhà nước. Cán bộ này sẽ chỉ cần làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bảo dưỡng. Việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng vẫn có thể huy động sức dân.

Về cấp vĩ mô, trong thời gian tới chúng ta cũng cần có những chỉ thị của Đảng hoặc Chính phủ về công tác phát triển GTNT nhằm huy động mọi thành phần chính trị vào cuộc. Hiện,một số địa phương có nguồn thu tốt, có điều kiện bố trí nguồn vốn nhưng cũng chưa thực sự quan tâm phát triển hệ thống GTNT. Vì thế, rất cần có những chỉ đạo, định hướng đối với các địa phương làm tốt hơn công tác này.

Việc phát triển GTNT hiện nay có một khó khăn là những địa phương có nguồn thu tốt thì mức hỗ trợ của chính quyền thường cao trong khi ở những địa phương khó khăn, cần đẩy mạnh phát triển GTNT thì lại có nguồn thu thấp nên mức hỗ trợ cũng hạn chế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thể, trước tiên vẫn phải huy động nội lực. Có thể có tỉnh giàu, tỉnh nghèo, nhưng tỉnh nào cũng phải dành một sự quan tâm đến GTNT vì đó là vấn đề đời sống dân sinh rất quan trọng. Tuy nhiên do những điều kiện khác nhau mà có tình trạng tỉnh giàu sẽ làm tốt hơn tỉnh nghèo vì có nguồn lực.

“Hiện Bộ GTVT đang xây dựng các đề án phát triển cầu đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn bằng nhiều hình thức như: ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội... Với việc sử dụng nguồn lực này kết hợp sự phấn đấu của tỉnh nghèo, khó khăn, tôi tin là tình hình sẽ sẽ tốt lên. Như vậy sẽ đảm bảo được sự hài hoà. Trong trường hợp khó huy động được các nguồn vốn, Chính phủ có thể xây dựng các chương trình mục tiêu hướng về tỉnh nghèo để phát triển GTNT”, Thứ trưởng Thể nói. 

Theo Báo Giao thông

  
Số lượt xem:861