“Mỗi thành tựu của ngành đều là nỗ lực không ngừng suốt 70 năm” | ||||||
28-8-2015 | ||||||
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi trả lời phỏng vấn Báo Giao thông nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT. |
||||||
CT | ||||||
Bộ trưởng nhấn mạnh, những gì ngành GTVT đang tạo ra, bất kể là một con đường cao tốc hiện đại, một cây cầu tầm cỡ thế giới, một cảng biển, cảng hàng không lớn, chiếc cầu treo… đều là thành tựu từ những nỗ lực không ngừng của cả 70 năm. Học những điều lớn lao từ quá khứ Thưa Bộ trưởng, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT. Với một người luôn đòi hỏi rất cao ở bản thân mình và sự nỗ lực của các cộng sự, nếu cần đưa ra một đánh giá tổng quát và khách quan, Bộ trưởng thấy ấn tượng nhất với thành tựu nào của ngành? Nếu nhìn vào lịch sử ra đời và phát triển của ngành trong suốt 70 năm qua, gắn với những biến cố có khả năng làm thay đổi số phận dân tộc, thì sẽ thấy không dễ dàng để trả lời câu hỏi của bạn một cách ngắn gọn. Bất cứ tổng kết, đánh giá nào chỉ quan tâm đến những thành tựu nhìn thấy được, sẽ là phiến diện, không công bằng. Có những thời kỳ GTVT làm nhiệm vụ của một đơn vị chiến đấu; có lúc, thay vì xây cầu, làm đường thì lại phải đặt mìn để phá bỏ như thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến”; có thời kỳ chỉ làm công việc của những người thu dọn, sửa chữa những đổ nát sau bom đạn. Đều là những nhiệm vụ to lớn phải hoàn thành. Chỉ từ sau khi đất nước thống nhất và đổi mới, GTVT mới thực sự là một ngành kinh tế lớn, có tính chất mũi nhọn, cả ở quy mô đầu tư nguồn lực và tác động mà nó tạo ra cho xã hội. Nếu chỉ nhìn trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng ta dễ dàng đi đến kết luận, thành tựu ấn tượng nhất chính là hàng loạt công trình hiện đại ra đời, làm thay đổi diện mạo đất nước. Đó là thực tế nhưng chỉ là một phần sự thật, mang tính bề nổi và của một giai đoạn. Lịch sử luôn muốn chúng ta có cái nhìn sâu xa hơn, dọc theo một hành trình dài. Theo tôi, thành tựu quan trọng nhất của ngành trong suốt 7 thập kỷ, chính là trong bất cứ hoàn cảnh nào, GTVT vẫn duy trì được tính liên tục của sự phát triển, đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân và đất nước, tạo nền tảng, động lực cho cuộc sống cũng như thổi khát vọng vào thế hệ kế tiếp. Những gì mà ngành đang tạo ra, bất kể là một con đường cao tốc hiện đại, một cây cầu tầm cỡ thế giới, một cảng biển, cảng hàng không lớn… đều là thành tựu với những nỗ lực không ngừng của cả 70 năm. Bộ trưởng từng nói: Lịch sử đã trao cho ngành GTVT sứ mệnh “đi trước mở đường”. Giờ đây, nhìn lại 70 năm qua, Bộ trưởng có thể chia sẻ ngành GTVT đã thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm đó thế nào? Trong 70 năm qua, như tôi đã nói, GTVT luôn gắn vận mệnh của mình với những thăng trầm của đất nước. Vừa ra đời, GTVT đã phải lao vào chiến đấu cùng cả dân tộc. Những con đường, những cây cầu, bến cảng… được mở ra bằng sức người, trong những điều kiện cực khổ không bút nào tả xiết. Nhưng khi Đảng đề ra chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cán bộ GTVT lại là những người đi đầu trong việc phá hủy cầu, đường nhằm ngăn chặn hiệu quả bước tiến của quân thù, làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Cũng chính lực lượng ấy, khi kháng chiến chuyển sang giai đoạn phản công, đã lại dốc sức, gấp rút xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vừa tiêu thổ, làm mới thêm nhiều tuyến đường, cầu tạm, bến phà, tổ chức vận tải lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường. Tính chất đi trước mở đường có thể thấy rất rõ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Hai đặc điểm nổi bật của Ngành thời kỳ này là vừa phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế ở miền Bắc vừa chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Chỉ với hai kỳ tích là đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển là đủ để nói lên tất cả về sứ mệnh to lớn của ngành GTVT với vận mệnh Tổ quốc. Đây thực sự là những con đường chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là đóng góp to lớn, bằng trí tuệ, sức lực và cả xương máu, của hàng chục vạn người lao động, thanh niên xung phong ngành GTVT trong việc xây dựng và bảo đảm “mạch máu” giao thông thông suốt trong suốt giai đoạn lịch sử vĩ đại này của dân tộc.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, mặc dù bị phân tán nguồn lực do chiến tranh, ngành Giao thông vận tải tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới. Chỉ trong vòng 10 năm, ngành đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: Khôi phục hoạt động của 900 km đường sắt trên 5 tuyến trọng yếu; làm mới và khôi phục hơn 10 nghìn km đường bộ, 260 nghìn km đường giao thông nông thôn, miền núi; sửa chữa, duy tu gần 22 km cầu các loại; khởi công, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều bến cảng, nhà ga cùng hàng vạn km đường sông. Những công trình này đã phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, ngành Giao thông phải đối mặt với một di sản hạ tầng đổ nát nặng nề. Trong tình cảnh bị cấm vận, bị kẻ thù bao vây, sản xuất đình đốn, nguồn lực thiếu trầm trọng, ngành GTVT phải chắt chiu từng đồng vốn, từng khoản viện trợ để làm cầu, mở những con đường mới. Ngay cả giờ đây vẫn khó hình dung, làm thế nào mà tuyến đường sắt Thống Nhất dài trên 1700 km được khôi phục hoàn toàn chỉ sau 14 tháng thi công. Vì sao cầu Thăng Long, cầu Chương Dương vẫn có thể được xây dựng ngay cả khi nguồn ngân khố cạn kiệt? Chúng ta sẽ còn phải học rất nhiều điều lớn lao từ quá khứ. Sau Đại hội VI của Đảng, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành GTVT bắt đầu có cơ hội để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh “đi trước mở đường”, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI, đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, trong đó đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Những mục tiêu trọng tâm này được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, vận tải logistics, với lộ trình và sự tập trung nguồn lực rõ ràng, minh bạch. Điều đó mở ra cho ngành GTVT những cơ hội rất lớn để tăng tốc nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Thách thức về nguồn lực hạn hẹp trước đòi hỏi lớn gấp bội của nhu cầu thực tế; thách thức nghiệt ngã về thời gian; thách thức về bản lĩnh lãnh đạo, đổi mới cơ chế; thách thức về khả năng vượt qua những cám dỗ vật chất; thách thức về năng lực quản lý, áp dụng, làm chủ công nghệ hiện đại… Để vượt qua những thách thức đó, cùng một lúc Bộ GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, cải cách mạnh mẽ hành chính, thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách; siết lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành, đấu thầu; khắc phục căn bệnh nan y là trì trệ trong tư duy; xóa bỏ triệt để hiện tượng chậm tiến độ xảy ra tại hàng loạt công trình; khắc phục tình trạng trây ì trong giải phóng mặt bằng; tìm kiếm cán bộ quản lý có năng lực thông qua phát hiện, đào tạo, thi tuyển; chủ động liên kết mở rộng hợp tác quốc tế… Kết quả của những nỗ lực ấy chính là hàng loạt công trình giao thông quan trọng đã ra đời dồn dập chỉ trong thời gian ngắn như mọi người đều biết. Hệ thống hạ tầng đang thực sự đóng vai trò tạo nền tảng và động lực cho các ngành khác phát triển, khi nhờ vào những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng, các tuyến đường sắt, đường thủy… mà môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch, vận tải… được cải thiện rất lớn. Điều này có lẽ bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy.
Còn một ngày vẫn phải làm hết trách nhiệm 70 năm qua, ngành GTVT đã trải qua sự dẫn dắt của 12 vị Bộ trưởng. Là Bộ trưởng đương nhiệm, ông tự cảm thấy mình đã kế thừa và phát huy thế nào những kinh nghiệm của các vị Bộ trưởng tiền nhiệm và sự kế thừa ấy tác động ra sao đến những quyết định mạnh mẽ của Bộ trưởng trong 4 năm lãnh đạo Bộ GTVT? Nếu chúng ta chịu khó lần giở lại lịch sử, sẽ nhận thấy từng có vị Bộ trưởng GTVT làm cả vai trò của một tư lệnh chiến trường! Khi ấy ngành GTVT đã làm được những điều kì diệu ngoài mọi sức tưởng tượng. Hiện thực thú vị đó luôn khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi từng chia sẻ rằng mình chịu nhiều áp lực lớn khi nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ GTVT. Ngoài áp lực phải giải quyết cả một núi công việc, nói thật, một phần áp lực đến từ chính sự xuất sắc của nhiều bậc đàn anh tiền nhiệm. Đó là những tấm gương lớn về tài năng, bản lĩnh và nhân cách. Thậm chí, có người trong số họ xứng đáng là nhân vật lịch sử của ngành và của đất nước. Đứng bên cạnh họ là niềm hãnh diện, nhưng cũng là động lực khiến tôi phải gắng sức, nỗ lực không ngừng. Kinh nghiệm quý báu nhất mà tôi thừa kế từ những người tiền nhiệm không gì khác ngoài tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự nghiệp chung. Bạn thử tưởng tượng, vào những thời điểm then chốt, thậm chí mang tính sinh tử mà người đứng đầu ngành chần chừ, không thể đưa ra quyết định cuối cùng, thì với lĩnh vực khác tôi không biết, chứ trong lĩnh vực GTVT, điều đó đồng nghĩa với bỏ mặc cho thảm họa. Đã ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ, Bộ trưởng có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau 4 năm lãnh đạo một trong những ngành nóng nhất về phát triển và về các hiệu ứng xã hội mà nó tạo ra. Nếu được phép hỏi thẳng thì sẽ là: Bộ trưởng có hài lòng với những gì mình đã làm được trong những năm qua và hài lòng nhất về điều gì? Tôi rất ghét lối tư duy nhiệm kỳ. Nếu sự phát triển là liên tục, thì trách nhiệm của người lãnh đạo cũng phải như vậy. Còn một ngày làm việc vẫn phải làm hết trách nhiệm. Tôi cũng luôn đòi hỏi những người dưới quyền mình điều đó. Một chút dừng lại để suy ngẫm, tìm ra lối đi tối ưu hơn thì có thể chấp nhận được.
Cảm xúc của tôi lúc này cũng vẫn giống như cảm xúc của tôi cách đây bốn năm, khi nhận nhiệm vụ từ Quốc hội: Lo lắng và hy vọng, tin vào sức mạnh tập thể mình lãnh đạo, chấp nhận mọi thực tế, không ngại bất cứ công việc nào và sẵn sàng đưa ra những quyết định. Sự hài lòng, thỏa mãn là điều không có trong đời sống tinh thần của tôi. Bởi vì có thể chúng ta đã làm được một số việc lớn, đạt được những thành tựu rất quan trọng được xã hội, bạn bè đối tác quốc tế ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của chúng ta, thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng được. Bộ GTVT, trong đó có cá nhân tôi, vẫn luôn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại, dù tăng tới 29 bậc so với cách nay 4 năm do một tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, nghĩa là khá khách quan, thì vẫn cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa. Không ai được bằng lòng với những gì đã có - Đó là thông điệp tôi muốn chuyển tới tất cả cộng sự của mình. Điều tôi hài lòng nhất là những gì tôi mong muốn cho hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước, thì đa phần đều nhận được sự đồng cảm chân thành và sự ủng hộ của mọi người, cả trong ngành lẫn ngoài xã hội. Không có sự cổ vũ, động viên quan trọng ấy, tôi sẽ không thể tự tin khi đưa ra những quyết định và biến chúng từ ý tưởng trên giấy thành hiện thực. Còn nhiều việc quan trọng đang chờ ở ngay phía trước Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, trong khi kinh phí để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần hàng trăm tỷ USD, theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm gì để tiếp tục phát huy được truyền thống “đi trước mở đường”, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đưa đất nước phát triển? Cho đến giờ này, có thể khẳng định, nếu không mạnh mẽ thay đổi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nếu không có sự hậu thuẫn về cơ chế của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ với sự đồng thuận cao của nhân dân, sẽ không bao giờ có được mạng lưới giao thông như hiện chúng ta đang khai thác cùng với cả một danh sách dài khác về những công trình sẽ được khởi công, hoàn thành trong vài năm tới. Tôi muốn toàn ngành quán triệt nhận thức quan trọng này. Chúng ta cần duy trì và tìm cách tăng tốc nhịp độ phát triển hiện nay, bằng việc huy động tổng hợp các nguồn lực mà đất nước đang có. Để có những nguồn lực ấy, cần cải cách hành chính mạnh mẽ và thực chất hơn nữa, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Mặt khác cần tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp, cải tiến công tác quản lý, khai thác thu hồi vốn. Chúng ta đã có cơ chế khá hữu hiệu để thu hút nguồn vốn xã hội nhưng công việc đó vẫn có thể và cần phải làm tốt hơn. Cần phối hợp với các cơ quan để nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc chuyển nhượng quyền khai thác một số công trình giao thông cho đối tác, cả trong nước và nước ngoài, sớm trở thành hiện thực. Nếu thành công, đây sẽ là bước đột phá về vốn trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần tận dụng những ưu đãi về cơ chế để có thể sử dụng hiệu quả những nguồn vay của Chính phủ. Với một loạt biện pháp như vậy, nếu chúng ta có quyết tâm cao trong thực hiện, tiếp tục có thêm sáng kiến thì theo tôi, vấn đề nguồn lực, mặc dù luôn là vấn đề hóc búa, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết tốt. Tất cả đều trong tầm tay chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta can đảm và quyết tâm đến mức nào. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành GTVT, xin Bộ trưởng chia sẻ với đội ngũ CBCNV toàn ngành và bạn đọc Báo Giao thông về những dự định, kế hoạch trong thời gian tới của Bộ trưởng để xây dựng ngành GTVT thực sự vững mạnh,tiếp tục tạo đà đưa đất nước phát triển, tiến lên hiện đại? 70 năm là một khoảng thời gian đủ dài để những cảm xúc có thể lắng lại. Đó là một quá khứ mà tất cả chúng ta - những người trong ngành Giao thông vận tải có quyền tự hào. Nhưng đó cũng đồng thời là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm và cách thức ứng xử của chúng ta với tương lai. Theo tinh thần đó, tôi chỉ có thể nói thế này: Chúng ta đã làm được nhiều việc quan trọng nhưng luôn còn rất nhiều việc quan trọng hơn đang chờ mỗi người ở ngay phía trước. Những gì mà ngành GTVT đã long trọng cam kết với Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, chính là dự định và kế hoạch của toàn ngành và sẽ phải được thực hiện tốt nhất. Không có câu trả lời nào khác. Đó cũng là cách duy nhất để chúng ta vững mạnh mọi mặt để tiếp tục phát triển bền vững. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Nguồn Báo Giao thông |
||||||
Số lượt xem:643 | ||||||