Ngành Giao thông vận tải luôn đi trước mở đường
31-8-2015

Trong chiến tranh, lực lượng ngành GTVT luôn tiên phong mở đường, vận chuyển, chi viện cho tiền tuyến và được coi là yếu tố quyết định đến cục diện chiến trường.

Còn trong hoà bình, GTVT lại lãnh trách nhiệm đi trước tạo dựng hạ tầng và được xác định là khâu đột phá để đưa kinh tế đất nước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Ngành Giao thông vận tải luôn đi trước mở đường
CT

141

Cao tốcTP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây  -  Ảnh: Lã Anh

Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT, Báo Giao thông đã ghi nhận những ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các địa phương về vai trò của ngành GTVT trong lịch sử đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay và mai sau. 

142

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc:
Ấn tượng với nhiều thành tựu của ngành GTVT

Tôi khâm phục và trân trọng đối với hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, công nhân, viên chức của ngành GTVT đã anh dũng hy sinh để cùng các lực lượng quân đội, công an, TNXP mở đường, đưa xe ra tiền tuyến, giữ vững mạch máu giao thông dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, bảo đảm hậu cần cho quân ta chiến thắng. Người dân Hà Tĩnh quê tôi không bao giờ quên hình ảnh những cán bộ, công nhân giao thông hỏa tuyến đảm bảo giao thông để vận chuyển lương thực, thuốc men từ miền Bắc qua phà Bến Thủy, vượt trận địa Ngã ba Đồng Lộc vào Hà Tĩnh, Quảng Bình cứu trợ nhân dân tuyến lửa trong những năm chiến tranh ác liệt.

Ngay sau ngày thống nhất đất nước, ngành GTVT trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng khôi phục hệ thống cầu đường, bến cảng bị tàn phá hết sức nghiêm trọng. Chỉ tính riêng ở Hà Tĩnh, với tất cả các tuyến đường, bến cảng đều bị bom phá nát, tất cả các cầu đều bị đánh sập, thì có thể thấy khối lượng công việc khôi phục hậu quả chiến tranh của ngành GTVT to lớn, gian khổ biết nhường nào.

Tiếp tục truyền thống, ngành GTVT ngày nay đang phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa đến khắp mọi miền của đất nước và nhiều nước trên thế giới.

Thật ấn tượng với những công trình giao thông hiện đại cả trên đường bộ, hàng không được đầu tư xây dựng hiện đại trong thời gian qua. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những đóng góp rất hiệu quả của ngành GTVT đối với việc phát triển giao thông nông thôn, cùng các địa phương xây dựng nông thôn mới, xây lắp kịp thời nhiều cầu treo dân sinh cho đồng bào miền núi. Những cải tiến, đổi mới gần đây của ngành Đường sắt và ngành Đường thủy nội địa cũng đáng được ghi nhận...

Ghi nhận vai trò, công lao và thành tựu của ngành GTVT, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ủng hộ và dành cho ngành các nguồn vốn đầu tư rất lớn. Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu rất cao, nghiêm khắc về chất lượng, hiệu quả, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong từng dự án, công trình giao thông, về chất lượng, thái độ phục vụ hành khách, đặc biệt là về ATGT.

Tôi tin rằng, với truyền thống 70 năm, ngành GTVT sẽ phát huy những chiến công, thành tựu để tiếp tục cải cách, đổi mới, tái cơ cấu thành công để hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó.

143

 

ĐBQH Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Hạ tầng giao thông phát triển tạo môi trường hấp dẫn đầu tư

Tình hình kinh tế thế giới biến động, tăng trưởng chậm lại nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, tăng trưởng ở mức khá so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được kết quả đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là sự đóng góp của ngành GTVT trong đẩy nhanh việc hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước.

Đây là một trong những nhân tố quan trọng tạo môi trường hấp dẫn và thu hút đầu tư, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và giúp các tổ chức, cá nhân tiết giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Với sự đầu tư mạnh mẽ của NSNN, vốn TPCP và áp dụng nhiều hình thức xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng dưới nhiều hình thức như BOT, BT, PPP..., cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta có sự phát triển đột biến đã góp phần không nhỏ trong việc tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả đồng vốn.

Việc thi hành pháp luật về giao thông cũng được chỉ đạo và triển khai quyết liệt như tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông, xử lý nghiêm việc vận chuyển quá tải trọng... nhờ vậy đã hạn chế được sự xuống cấp của các tuyến đường, giảm thiểu các vụ TNGT, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân.

Tôi đặc biệt ấn tượng với sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT. Không có việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt thì không thể xây dựng, hoàn thiện các dự án đầu tư lớn để trình Quốc hội thông qua với sự tán thành cao. Không có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt thì không thể ngăn chặn được nạn xe quá tải lưu thông trên đường, không ngăn chặn được tình trạng kéo dài thời gian thi công làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến giao thông của người dân... Những vấn đề đặt ra cũng được lãnh đạo Bộ làm rõ nguyên nhân, xử lý dứt điểm, kịp thời, nhất là các sai phạm trong ngành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện. Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành GTVT trong thời gian qua. Tại diễn đàn Quốc hội, tôi và nhiều ĐBQH đã đánh giá cao sự đổi mới và điều hành quyết liệt, có hiệu quả của lãnh đạo Bộ GTVT. Đặc biệt, Bộ trưởng Đinh La Thăng là người dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thành tựu của ngành GTVT trong thời gian qua là lớn nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, nhất là trong điều kiện trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của ta tuy có được cải thiện đáng kể nhưng vẫn ở trình độ thấp, chưa đồng bộ. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn trong khi khả năng cân đối được còn thấp, nợ công đang ở mức cao. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, ngành GTVT cần phát huy những kết quả để đạt được những thành tựu cao hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

144

 

Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên:
Hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương

Thái Nguyên vinh dự là nơi được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng an toàn khu (ATK) thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1946-1954. Tại ATK Thái Nguyên, nhiều chiến lược, quyết định quan trọng đến cục diện cuộc kháng chiến được ban hành, trong đó quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giành thắng lợi to lớn, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Cũng tại Thái Nguyên, trên mảnh đất Phú Xuyên, huyện Đại Từ, năm 1951 Bác Hồ đã ký sắc lệnh thành lập ngành Vận tải thuộc Bộ GTVT. Kể từ khi ra đời đến nay, ngành Vận tải đã phát triển và không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thái Nguyên được xác định là Trung tâm vùng Trung du miền núi Bắc bộ có vị trí thuận lợi về giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng, khu vực. Có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, gần sân bay quốc tế Nội Bài rất thuận tiện cho giao thương và đi lại của nhân dân.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, Bộ GTVT, các bộ, ban, ngành, của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân qua các thời kỳ, hệ thống GTVT tỉnh Thái Nguyên ngày càng được đầu tư, hoàn chỉnh. Trong đó, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được hoàn thành toàn tuyến vào tháng 1/2014, mới đây lại được đầu tư nối dài thêm trên 40 km đến Thành Bình (Chợ Mới, Bắc Kạn), cùng với QL3 được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, đường sắt được đầu tư sửa chữa, đưa vào vận hành chuyến tàu nhanh Thái Nguyên - Hà Nội đã giúp cho phát triển KT-XH của Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng, đảm bảo ANQP, thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ có hạ tầng giao thông phát triển, trong mấy năm qua, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Nguyên liên tục được nâng cao. Kết thúc năm 2014, nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh tăng cao so với kế hoạch. GDP tăng 20%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 175 nghìn tỷ đồng, bằng 7 lần năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8,9 tỷ USD, gấp 37 lần năm 2013. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng đột biến. Năm 2013, Thái Nguyên đã thu hút được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư với tổ hợp ba nhà máy, vốn đăng ký ban đầu 3,38 tỷ USD, năm 2014 tiếp tục đầu tư hai nhà máy với số vốn 3 tỷ USD. Lũy kế đến nay, đã có 78 dự án vốn FDI với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD, đưa Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI (năm 2014). Trong 6 tháng đầu năm 2015, GDP tăng trưởng 26,6% - mức cao nhất từ trước đến nay. 

Có thể nói, các điều kiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoàn thành kết hợp với các điều kiện khác đã giúp Thái Nguyên thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu KT-XH.

145

 

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
Luôn “đi trước mở đường” trong mọi thời kỳ

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT đã không ngừng lớn mạnh. Với vai trò đi trước mở đường, ngành GTVT luôn đi đầu trong mọi thời kỳ, từ những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước cho đến giai đoạn tập trung phát triển kinh tế. GTVT cũng là một ngành rất quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp và thúc đẩy phát triển tất cả các lĩnh vực khác.

Trong nhiều năm qua, ngành GTVT đã có nhiều bước đi tiến độ, đã quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, do ngân sách Nhà nước hạn hẹp mà nhu cầu phát triển lại rất lớn nên ngành GTVT đã có một chính sách sáng suốt là huy động nhiều nguồn lực vào việc đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm, đã góp phần duy trì sự phát triển và tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Dù ở giai đoạn nào, GTVT cũng phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vai trò này càng cần được đề cao hơn nữa. Để thực hiện tốt trọng trách này, ngành GTVT trong những giai đoạn tới đây phải triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp mang tính đột phá, huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó, sự hợp tác và hỗ trợ của bạn bè quốc tế cũng đóng vài trò hết sức quan trọng.

146

 

Thiếu tướng - Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương:
Thế hệ chúng tôi hiểu rất rõ giá trị của GTVT

Nếu như đất nước chúng ta không có lực lượng GTVT thì tôi tin chắc việc đánh đuổi thực dân Pháp và giải phóng miền Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong giai đoạn 1965 - 1972, là thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt vào các nút giao thông trọng điểm nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Với sự quyết tâm, ý chí sắt đá, ngành GTVT đã vượt qua bom đạn để xây dựng những con đường, vận chuyển vũ khí, nhân lực cho tiền tuyến, hoàn thành mong ước của Bác là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Thế hệ chúng tôi hiểu rất rõ giá trị của GTVT thời đó. Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ có một dấu ấn sâu đậm với những người lính chúng tôi. Những cuộc hành quân trên QL1, đường mòn Hồ Chí Minh, thậm chí cả những lực lượng đi trên biển luôn tạo ra những bất ngờ cho kẻ địch. Không quân Mỹ thời kỳ đó đánh phá ác liệt nhưng các lực lượng vẫn hành quân an toàn. Có được những chuyến hành quân rầm rộ, đưa được hàng triệu đơn vị vũ khí, phương tiện, hàng triệu con người từ Bắc vào Nam, đó là điều làm cho đối phương bất ngờ và chính họ cũng đánh giá rất cao về điều ấy. Đó là những thời kỳ oai hùng của lịch sử dân tộc và công cuộc ấy đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của các lực lượng GTVT.

Sau giải phóng miền Nam, chúng ta bắt đầu xây dựng đất nước XHCN, phát triển giao thương nên những con đường là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Nếu con đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh được nhớ đến như một huyền thoại thì ngày nay, con đường ấy đã rút ngắn khoảng cách giữa Bắc - Nam, giúp phát triển giao thương thuận tiện ba miền đất nước.

Tôi đánh giá rất cao lãnh đạo Bộ hiện nay, họ đã kế tục xuất sắc sự nghiệp của nhiều Bộ trưởng của chúng ta suốt thời gian qua. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những quyết định đúng đắn vì lợi ích của người dân, đất nước và rất quyết đoán trong các quyết định. Giữ chức Bộ trưởng thì cần phải có tầm nhìn chiến lược nhưng cũng không được quên những công việc cụ thể, dù là nhỏ nhất. Điều ấy đã được lãnh đạo Bộ GTVT thể hiện rất rõ qua những hành động của mình.

147

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi:
Những công trình Bộ GTVT xây dựng thể hiện tầm vóc quốc gia

Thành tựu nổi bật thời gian qua của ngành GTVT là đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả tốt như: Mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C, nhà ga T2 Nội Bài... Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn thì việc Bộ GTVT huy động được những nguồn vốn lớn đã tận dụng được sức mạnh của toàn nền kinh tế, xây dựng nên những con đường hiện đại thể hiện tầm vóc quốc gia.

Thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã tổ chức thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý đạt kết quả tốt và được dư luận hoan nghênh. Là đơn vị đi tiên phong, Bộ GTVT đã tạo bước đột phá trong việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, tạo cơ hội bình đẳng cho nhiều người có năng lực được thử sức mình. Đồng thời, loại bỏ được căn bản yếu tố tiêu cực trong công tác cán bộ.

Bộ GTVT cũng là đơn vị cầu thị lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân. Bằng chứng là việc Bộ đưa ra rất nhiều chính sách có liên quan đến cuộc sống của người dân, nhưng khi nhân dân có ý kiến thì Bộ sẵn sàng tiếp thu, xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.

Một điểm ấn tượng nhất của Bộ GTVT mà ai cũng dễ nhận ra, đó là thái độ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của “tư lệnh” ngành GTVT. Chính điều đó đã góp phần tạo ra những thành tựu chung của ngành GTVT trong sự nghiệp phát triển đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào một vị lãnh đạo “nói luôn đi đôi với làm”.

Nguồn Báo Giao thông

  
Số lượt xem:1442