Sửa Luật Giao thông đường bộ: Tạo cơ chế đột phá về thể chế, chính sách
15-1-2016

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ phải tạo cơ chế đột phá về thể chế, chính sách để thúc đẩy và phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: Luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT, hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự ATGT, thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế, tạo điều kiệnthuận lợi để việt namchủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tỉa của các nước trong khu vực.

Sửa Luật Giao thông đường bộ: Tạo cơ chế đột phá về thể chế, chính sách
CT
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 6 năm thi hành Luật GTĐB năm 2008.
Mặt khác, sau khi Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực thi hành, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, công tác bảo trì đường bộ được tăng cường hơn trước; công tác quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, công tác đổi mới quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… 
Tuy vậy, lãnh đạo Tổng cục cũng thẳng thắn chỉ ra trong quá trình triển khai thi hành Luật này cũng đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh về phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh  trong khi diện tích đất dành cho đường bộ tại các đô thị chưa đảm bảo tỉ lệ hợp lý; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tai nạn giao thông giảm liên tục trong các năm qua, nhưng số vụ tai nạn và các chỉ số tai nạn khác còn cao, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng còn nhiều…
 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật GTĐB năm 2008.
 
Theo ông Thân Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam: Luật Giao thông đường bộ 2008 có rất nhiều tiến bộ so với Luật năm 2001, đặc biệt là đưa ngành nghề kinh doanh vận tải thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý vận tải (GPS-thiết bị giám sát hành trình) đến nay đã đạt được rất nhiều kết quả.  
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng bộc lộ hàng loạt bất cập: Các doanh nghiệp vận tải hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, không có sức mạnh cạnh tranh nên “vấn nạn” trong hoạt động kinh doanh vận tải cũng từ đây mà ra; bến xe thuộc kết cấu hạ tầng nhưng giờ vẫn đánh thuế nặng nên đè lên doanh nghiệp vận tải, người tiêu dung, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng có suy nghĩ bến xe trong nội đô nhếch nhác thì điều chuyển ra ngoài nhưng nếu điều chuyển xa thì sẽ nảy sinh thêm xe dù, bến cóc. 
“Hiện nay, ngành giao thông đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng (BOT gần 190.000 tỷ đồng cho hạ tầng đường) nhưng giá thành vận tải đã giảm chưa? Vấn đề tổ chức vận tải logistic như thế nào? Vận tải đa phương thức ra sao? Không thể để xe chở hàng chạy dọc cả nước mà nên phân tuyến, khu vực, cơ cấu lại vận tải…,” ông Thanh nhấn mạnh. 
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho rằng Luật GTĐB năm 2008 có nhiều vấn đề cần sớm bổ sung, tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn như trong vận tải có quy định thời gian làm việc không được quá 10 giờ và không quá 4 giờ liên tục. Quy định này rất phù hợp với lái xe đường dài nhưng lại không phù hợp với lái xe taxi. Hoặc như loại hình kinh doanh vận tải khách hiện nay nảy sinh nhiều bất cập, cạnh tranh không lành mạnh vì xe hợp đồng có thể tranh giành với xe chạy theo tuyến cố định do không xác định điểm đi - đến… 

Toàn cảnh Hội nghị. 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Luật GTĐB rất quan trọng, gắn liền với người tham gia giao thông, người dân và có phạm vi điều chỉnh rộng. Luật GTĐB năm 2008 đã có kết quả rất tốt, đã tạo được hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý Nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu giao thông đường bộ, công tác quản lý kinh doanh vận tải, đảm bảo ATGT được tốt hơn. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, Luật GTĐB mới thực hiện 6 năm nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại dẫn đến những hạn chế trong công tác quản lý, chưa lường hết được sự phát triển thực tế của kinh tế đất nước và thế giới. Đặc biệt, có những điều quy định trong Luật không thực hiện được. 
Theo Bộ trưởng, cơ hội sửa chữa luật là rất khó vì không thể chốc lát làm được ngay mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, đặc biệt không thể sửa đổi hời hợt. Luật Giao thông đường bộ phải tạo cơ chế đột phá về thể chế, chính sách để thúc đẩy và phát triển. Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 là trách nhiệm chung của các Bộ, ngành và các Sở Giao thông Vận tải liên quan.
 
Từ thực tế trên, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) và Tổng cục Đường bộ VN tiếp tục tiếp thu ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Luật GTĐB sửa đổi. Việc sửa đổi phải phát huy được tinh thần Hiến pháp năm 2013 là người dân, doanh nghiệp được làm những gì Nhà nước không cấm. Phải đưa được tinh thần cải cách hành chính và thủ tục hành chính, giảm cơ chế xin - cho. Việc sửa Luật cần lưu ý đến cơ chế, thể chế tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc cũng như hạ tầng giao thông. Làm sao để chấm dứt vĩnh viễn tình trạng xe quá tải. Đặc biệt là toàn bộ những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không nắm giữ…
Nguồn Báo Đường bộ
  
Số lượt xem:1272