Tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ
31-5-2016

Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng và bảo trì đường giao thông là một trong các nội dung quan trọng nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Công tác quản lý, bảo dưỡng phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ để duy trì công trình ở trạng thái khai thác, sử dụng bình thường, nếu không được thực hiện sẽ sớm phát sinh hư hỏng, công trình nhanh xuống cấp, giảm hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên qua thực tế, một số tuyến đường mới được đầu tư xây dựng sau khi đưa vào khai thác sử dụng nhưng công tác bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, cây cỏ mọc hai bên đường che khuất tầm nhìn, rãnh dọc, một số cống ngang bị bồi lấp làm nước chảy tràn ra mặt đường gây xói lở, hư hỏng mặt đường, một số đoạn đất đá trên mái taluy tràn xuống nền mặt đường trong thời gian dài nhưng không được hốt dọn,…

Tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ
CT

Công tác sửa chữa mặt đường

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người Dân an toàn, thông suốt, đảm bảo công trình bền vững, phát huy hiệu quả đầu tư, ngày 25/5/2016, Sở Giao thông vận tải có văn bản số 893/SGTVT-QLKCHT đề nghị UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý khu kinh tế quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng thực hiện một số nội dung như:

Quan tâm bố trí kế hoạch vốn bảo trì các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý theo Luật Giao thông đường bộ 2008, các Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT: số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ; số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn; số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 về việc quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn, Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh; 

Tổ chức bộ máy thực hiện công tác quản lý bảo trì đường giao thông phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và từng tuyến đường; xác định rõ chủ quản lý sử dụng; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ quản lý, sử dụng thực hiện công tác quản lý bảo trì, vận hành khai thác đường theo quy định;

Tăng cường công tác tuần đường, kịp thời phát hiện hư hỏng và có kế hoạch thực hiện công tác bảo dưỡng; tập trung vào một số nội dung chính như vá ổ gà, khơi thông cống, rãnh, hốt dọn đất đá chảy tràn xuống nền mặt đường, phát quang (chú trọng trong mùa mưa) để đảm bảo tầm nhìn, nhất là tại các vị trí đường cong; kiểm tra rà soát, bổ sung đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, có biện pháp cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông; 

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên đường do địa phương quản lý, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của việc chở quá tải trọng đối với an toàn khai thác cầu đường; xây dựng các khung hạn chế việc chở quá khổ trên các tuyến (nếu thấy cần thiết).

Hồ Phong

  
Số lượt xem:1338