Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông
13-6-2016

Trong những năm qua, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã hoàn thành đảm bảo tiến độ - chất lượng, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. 

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư. Để chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính chặt chẽ, tuân thủ quy định, ngày 08/6/2016 Sở Giao thông vận tải đã ban hành Công văn số 988/SGTVT-QLKCHT đề nghị các chủ đầu tư tăng cường thực hiện, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, một số nội dung trọng tâm như:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông
CT

Ảnh minh họa

Đối với Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các phòng ban chuyên môn tham mưu cho chủ đầu tư tăng cường quản lý chặt chẽ toàn bộ quy trình về quản lý đầu tư xây dựng, coi đây là yếu tố trọng tâm trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng để tập trung chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu: chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, giá thành hợp lý, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Đối với các chủ thể tham gia thực hiện dự án phải thực hiện đầy đủ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong các khâu từ lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thi công xây lắp, giám sát, nghiệm thu và bảo hành công trình. Đồng thời yêu yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải quán triệt, xác định trách nhiệm giữ vai trò then chốt, quyết định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng để nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý dự án, củng cố tổ chức, bộ máy hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình thực hiện dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí; thực hiện các quy định của Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu thầu, các Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan về quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành và lựa chọn đơn vị tham gia thực hiện dự án; quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng công tác khảo sát, thiết kế của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự, thiết bị của nhà thầu thi công; thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình và chất lượng thi công các hạng mục công trình; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực, thất thoát, lãng phí;

Nâng cao chất lượng thực hiện công tác đấu thầu, đặc biệt chất lượng lựa chọn các nhà thầu từ thiết kế, giám sát đến thi công xây lắp để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án theo đúng yêu cầu chất lượng, tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế; theo dõi, đôn đốc các nhà thầu tổ chức triển khai thi công theo đúng tiến độ đã được cam kết ngay từ khi khởi công dự án. Chỉ cho phép thi công và nghiệm thu công trình khi bảo đảm an toàn, chất lượng theo yêu cầu; tăng cường kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng gói thầu, đồng thời kiên quyết dừng thi công, không nghiệm thu và loại bỏ ngay những sản phẩm nhà thầu không thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật và trình tự thi công;  chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định để kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu, các tổ chức tư vấn vi phạm quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành; loại bỏ ngay các nhà thầu yếu kém ra khỏi các dự án xây dựng công trình giao thông.

Đối với công tác khảo sát, thiết kế yêu cầu tư vấn thiết kế huy động nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, sử dụng các công nghệ khảo sát, thiết kế theo đúng quy định của hợp đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ tư vấn; phải nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chủ động đề xuất các giải pháp thiết kế hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh thất thoát lãng phí. Nghiêm cấm việc đề xuất các giải pháp thiết kế vượt quá quy mô theo yêu cầu hoặc quá mức an toàn theo yêu cầu, gây thất thoát, lãng phí; trước khi gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm định theo Luật Xây dựng 2014, chủ đầu tư phải kiểm tra, xem xét chất lượng của hồ sơ thiết kế, dự toán, tránh trường hợp gửi hồ sơ để kịp tiến độ nhưng chất lượng không đảm bảo, phải thẩm định nhiều lần; phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm thiết kế của mình; việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế của cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu thiết kế về chất lượng thiết kế xây dựng công trình do mình thực hiện; trong quá trình triển khai dự án phải phối hợp kịp thời với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế và phát sinh trong quá trình thi công.

Đối với công tác giám sát xây dựng công trình phải hoạt động độc lập trong giám sát chất lượng; nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định trong hợp đồng và các quy định hiện hành về giám sát xây dựng công trình; phải bố trí đầy đủ nhân sự tư vấn giám sát đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định; bố trí đầy đủ trang, thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; tổ chức văn phòng tư vấn giám sát tại hiện trường phù hợp với quy mô, yêu cầu của từng dự án; tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng thi công từng phần việc, hạng mục công trình và công trình theo đúng quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật; chỉ nghiệm thu hạng mục công trình, công trình khi bảo đảm chất lượng, kiên quyết không nghiệm thu và loại bỏ sản phẩm thi công không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức việc thông đồng với nhà thầu để nghiệm thu các hạng mục công việc không đảm bảo chất lượng hoặc nghiệm thu khống khối lượng thi công xây dựng.

Đối với công tác thi công xây dựng yêu cầu nhà thầu lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận về quản lý chất lượng thi công, xây dựng công trình; thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu nội bộ về chất lượng xây dựng công trình; phải tuân thủ quy định về lập phòng thí nghiệm hiện trường; thực hiện đầy đủ các thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi thi công và lắp đặt vào công trình bảo đảm tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế; quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án; huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; tổ chức thi công tuân thủ theo đúng hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công được duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá thành, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành theo quy định; trong thời gian bảo hành nhà thầu có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình do lỗi của mình gây ra và chịu mọi chi phí khắc phục có liên quan, đồng thời phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tương ứng với phần công việc thực hiện kể cả sau khi kết thúc thời gian bảo hành theo quy định của pháp luật.

  
Số lượt xem:1402