Ðẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 24
27-3-2017

 Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 24, đoạn từ TP Kon Tum đến huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 400 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo tiến độ, dự án này phải hoàn thành chậm nhất là cuối tháng 4-2016. Nhưng đến nay, sau hai lần gia hạn, thời hạn thi công dự án đã hết nhưng trên tuyến vẫn còn lại khoảng 1 km (đoạn qua xã Ðác Blà, TP Kon Tum) công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa xong, cho nên chưa thể thi công làm ảnh hưởng đến giao thông qua lại và khai thác tuyến đường.

Ðẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 24
CT


Mặc dù đã hết thời hạn thi công nhưng tuyến quốc lộ 24 đoạn qua TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum chưa giải quyết xong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Quốc lộ 24 là tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi nói riêng, khu vực Tây Nguyên với vùng duyên hải miền trung nói chung. Công trình này được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 3, cấp 4 miền núi, nền đường rộng 9 m, một số đoạn qua trung tâm huyện, thành phố được đầu tư theo tiêu chuẩn đô thị. Ðến nay, hầu hết các gói thầu của dự án nâng cấp, mở rộng trên tuyến quốc lộ (QL) 24 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, riêng gói thầu số 7 đoạn qua địa bàn xã Ðác Blà, TP Kon Tum còn khoảng 10 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường GPMB. Nguyên nhân, theo người dân là do giá đền bù quá thấp. Với đơn giá bồi thường 16 nghìn đồng/m2 đối với đất nông nghiệp và 400 nghìn đồng/m2 đối với đất ở mà Trung tâm Quỹ đất TP Kon Tum đưa ra theo đơn giá đất UBND tỉnh Kon Tum ban hành năm 2013, nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng của gói thầu số 7, QL 24 đoạn qua xã Ðác Blà không thống nhất bàn giao mặt bằng.

Hộ gia đình ông Ðào Ngọc Sơn ở thôn Kon Rinh là hộ dân bị thu hồi nhiều đất nhất ở gói thầu số 7, QL 24 với 2.800 m2 đất, cộng với ngôi nhà. Ông Sơn cho biết, tại vị trí gia đình ông đang ở, giá đất thị trường hiện nay là 2,3 triệu đồng/m2. Nếu so với giá đền bù của TP Kon Tum đưa ra, gia đình ông mất hơn 7 tỷ đồng. Tương tự gia đình ông Sơn, một số hộ dân khác thuộc khu vực gói thầu số 7 QL 24, cũng đưa ra lý do quá thiệt thòi cho nên chưa bàn giao mặt bằng. Nếu đồng ý theo giá đền bù của TP Kon Tum đưa ra, họ sẽ mất hết đất, hết nhà và không biết lấy gì mưu sinh. Không chỉ đưa ra giá đền bù thấp, theo ý kiến của các hộ dân nơi đây, việc thực hiện thu hồi, bồi thường tại gói thầu số 7, QL 24 đoạn qua xã Ðác Blà thiếu công khai, minh bạch. Ông Ðào Ngọc Sơn cho biết, phương án đền bù (PAÐB), đơn giá bồi thường đáng ra phải được gửi tới tận các hộ gia đình nằm trong diện đền bù giải tỏa và phải được niêm yết công khai, nhưng ở đây PAÐB điều chỉnh bổ sung được phê duyệt từ ngày 15-1-2015, một số hộ dân đã nhận xong tiền đền bù nhưng đến ngày 22-4-2015, người dân mới nhận được quyết định thu hồi đất. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp ở làng Kon H’ring phản ánh: Người dân không nhận tiền là do Trung tâm Quỹ đất TP Kon Tum thu hồi đất của dân nhưng không họp dân, không có PAÐB, không có quyết định giá đất thu hồi, không có giá đất tái định cư, cho nên người dân chúng tôi không căn cứ vào đâu để nhận tiền được.

Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cho rằng, thời điểm năm 2015 nhưng chính quyền TP Kon Tum áp dụng Luật Ðất đai năm 2003 để bồi thường cho dân là không đúng vì hiện đã có Luật Ðất đai sửa đổi năm 2013. Ông Nguyễn Văn Ðiệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum giải thích: Sở dĩ áp dụng Luật Ðất đai 2003 mà không áp dụng Luật Ðất đai 2013 trong công tác đền bù QL 24 đoạn qua địa phận TP Kon Tum là do PAÐB được thực hiện từ giữa năm 2013, lúc đó Luật Ðất đai 2013 chưa có hiệu lực. Sau này, PAÐB có điều chỉnh bổ sung nhưng trước đó đã thực hiện đền bù theo quy định Luật Ðất đai 2003, cho nên không thể một dự án lại áp dụng hai PAÐB khác nhau được. Ông Ðiệu cũng thừa nhận việc không gửi PAÐB, đơn giá bồi thường đến tận tay các hộ dân mà chỉ niêm yết ở nhà rông làng của Trung tâm Quỹ đất TP Kon Tum là sai quy định. Ông khẳng định thêm, không có chuyện đền bù giá đất nhà cao, nhà thấp như người dân phản ánh, và cho rằng: Ở gói thầu số 7, QL 24, đất của người dân chủ yếu là đất nông nghiệp cho nên việc áp dụng đơn giá đền bù theo Luật Ðất đai năm 2003 là có lợi cho dân hơn!

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thành lập một tổ liên ngành do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm Tổ trưởng phối hợp với Thanh tra tỉnh và UBND thành phố Kon Tum rà soát lại các phương án đền bù, tổng hợp ý kiến để lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đối thoại trực tiếp với các hộ dân còn thắc mắc trong PAÐB GPMB gói thầu số 7, QL 24 đoạn qua TP Kon Tum nhằm bàn giao mặt bằng, thi công hoàn chỉnh gói thầu để sớm đưa tuyến đường vào khai thác, sử dụng.

Nguồn Báo Nhân dân

 

  
Số lượt xem:1146