Nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2023
21-3-2023
Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 

Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực (hơn 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 02 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí). Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 60 địa phương và 04 doanh nghiệp nhà nước, tăng 01 bộ, ngành và 29 địa phương so với cuối năm 2022; đã kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 02 triệu thẻ so với cuối năm 2022). Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả (đẩy mạnh chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt qua nền tảng số của Bưu điện Việt Nam, đã có 61/63 địa phương triển khai chi trả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và 56/63 địa phương triển khai chi trả cho đối tượng người có công với cách mạng...). Nhiều bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu (đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng...). Văn phòng Chính phủ cũng đã đưa vào vận hành các công cụ đánh giá nỗ lực cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đo lường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, cần tiếp tục phát huy, làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Đến nay, mới có 06/30 bộ, ngành và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ ngày 01 tháng 01 năm 2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy.

 

Chuyển đổi số là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. Chuyển đổi số cần sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cần có hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thuận lợi, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; cần nguồn lực để tổ chức thực hiện. Chưa có bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nào được coi là kiểu mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số ngoài Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ. Một số bộ, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số còn rất thiếu tập trung, chưa bố trí nguồn lực, nhất là các địa phương. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều doanh nghiệp chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà chuyển đổi số mang lại; chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và chưa dành nguồn lực tương xứng hoặc thực hiện chuyển đổi số nhưng chưa hiệu quả, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 96% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp, việc trông chờ vào Nhà nước rất nhiều.Nhận thức, hiểu biết, kỹ năng số của đa số người dân còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được cải thiện trong thời gian qua. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng ngày càng khó khăn, phức tạp.

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau trọng tâm sau:

 

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương: (1) Khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số”, hoàn thành trong Quý I năm 2023. Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. (2) Hoạt động của Ủy ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, lựa chọn chủ đề từng phiên họp để đánh giá kỹ những rào cản, nguyên nhân và đưa ra quyết sách tháo gỡ, không hoạt động hình thức, chung chung, kém hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch, đồng thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt.

 

Các bộ, ngành, địa phương:

 

(1) Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nhất là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

 

(2) Tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

 

(3) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thúc đẩy việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách.

 

(4) Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

 

(5) Tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

 

(6) Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm đến vấn đề này, dành thời gian kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kịp thời thao gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

(7) Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Về vấn đề này, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo việc thống kê để có cơ sở dữ liệu đầy đủ, phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp phù hợp.

 

(8) Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, rủi ro về an toàn thông tin, an ninh mạng, đặc biệt là tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân; đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

(9) Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. (10) Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chia sẻ những thế mạnh của Việt Nam.

 

Các bộ, ngành tổ chức triển khai và tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ Công an Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2023, hoàn thành trong Quý I năm 2023. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vốn cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn 2023-2025 khi có điều kiện về nguồn vốn. Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử. Bộ Nội vụ tập trung triển khai thúc đẩy cải cách hành chính để phục vụ người dân, cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Sở Nội vụ các địa phương đẩy mạnh thực hiện kiểm tra công vụ để đảm bảo thực hiện vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết các thủ tục hành chính, không để mất niềm tin của người dân…/.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum


  
Số lượt xem:913