Kết quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh
29-6-2023
Có thể nói công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi cơ bản cách quản lý, học tập và làm việc của con người.

 

Trong cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cải cách TTHC nói riêng CNTT góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT giúp việc giải quyết TTHC thuận lợi, nhanh chóng, hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các TTHC khi được công bố sẽ kèm theo quyết định phê duyệt quy trình nội bộ, từ đó thiết lập quy trình điện tử (các bước giải quyết TTHC). Do đó, người dân có thể biết được hồ sơ mình đang ở giai đoạn nào; bộ phận kiểm soát, giám sát TTHC tại các cơ quan, đơn vị cũng có thể kiểm soát được hồ sơ đang ở giai đoạn nào. Nếu hồ sơ trễ hẹn hoặc trễ hẹn do nguyên nhân nào thì cũng có thể giám sát được…Như vậy có thể nói việc ứng dụng CNTT sẽ mang lại rất nhiều lợi ích của cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

 

Xác định vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT và đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, góp phần tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, một trong những kết quả nổi bật đó là:

 

Về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum (hệ thống dùng chung 03 cấp trên địa bàn tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công) được đưa và sử dụng từ cuối năm 2019 và bắt đầu thực hiện tại cấp huyện, cấp xã từ cuối năm 2020, đến nay đã đáp ứng 100% yêu cầu kỹ thuật triển khai Đề án 06 theo Văn bản 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06. Ngoài ra Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã tích hợp ứng dụng Zalo để người dân theo dõi trạng thái giải quyết hồ sơ sau khi nộp; đã tích hợp Trợ lý ảo trả lời tự động phục vụ người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức trong nộp hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC.

 

Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh có tổng số lượng tài khoản người dân doanh nghiệp đăng ký để nộp hồ sơ trực tuyến là 6.566 tài khoản (6.451 tài khoản của người dân, 115 tài khoản của doanh nghiệp); số lượng tài khoản người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến là 6.270 tài khoản (6.194 tài khoản của người dân, 76 tài khoản của doanh nghiệp).

 

Tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận trong 06 tháng đầu năm 2023 là: 117.327 hồ sơ (112.860 hồ sơ được tiếp nhận trong kỳ và 4.467 hồ sơ từ kỳ trước chuyển sang); trong đó, đã giải quyết trước và đúng hạn: 110.126 hồ sơ, trễ hạn: 1.994 hồ sơ; đang giải quyết trong hạn: 4.933 hồ sơ, đang giải quyết trễ hạn: 274 hồ sơ; Số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến là 29.981 hồ sơ.

 

Với việc triển khai tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã giúp cho việc giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được công khai, minh bạch giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình giải quyết TTHC, bên cạnh đó Hệ thống thông tin giải quyết TTHC còn giúp cho lãnh đạo các cơ quan, địa phương theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết TTHC từ đó để kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết TTHC đảm bảo đúng quy định.

 

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến đối với các TTHC. Hiện tại tính đến tháng 6/2023, tỉnh Kon Tum có 1.730 TTHC, trong đó đã triển khai 1.052 DVCTT toàn trình (chiếm 60,81% tổng số TTHC), 207 DVCTT một phần (chiếm 11,97% tổng số TTHC), còn lại 471 DVC không đưa lên trực tuyến (chiếm 27,23% tổng số TTHC). Hiện nay, các sở ban ngành đang tiếp tục rà soát theo tiêu chí cung cấp DVCTT toàn trình, DVCTT một phần theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

 

Thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện TTHC về đất đai là 1.473 giao dịch, với tổng số tiền thanh toán 3,4 tỷ đồng. Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC đã được một số đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện; tổng số giao dịch thanh toán là 1.235 giao dịch, với số tiền là 146 triệu đồng.

 

Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC làm tiền đề cho việc xây dựng chính quyền số. Thực hiện Chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã từ đầu năm 2023, đến nay Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành triển khai Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và kết nối chia sẻ kết quả số hóa với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn công tác số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. Việc triển khai công tác số hóa hồ sơ TTHC tại các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ số hóa thành kết quả giải quyết TTHC: Cấp tỉnh cơ bản đạt gần 100% (trừ ngành tài nguyên và Môi trường) Cấp huyện: 53%; Cấp xã 21%.

 

Dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” và sử dụng lại kết quả bản sao chứng thực điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến từng bước có sự chuyển biến. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 4.297 hồ sơ chứng thực điện tử; trong đó, đã hoàn thành 4.149 hồ sơ. Các địa phương đi đầu, tích cực trong việc triển khai dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, bao gồm: Thành phố Kon Tum (1.671 bản), huyện Kon Rẫy (802 bản), xã Đăk Tơ Lung (308 bản), thị trấn Đăk Tô (308 bản), xã Hoà Bình (283 bản).

 

Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC sẽ góp phần tạo thành cơ sở dữ liệu cực kỳ quan trọng về TTHC từ đó sẽ tái sử dụng hồ sơ, tài liệu của tổ chức, cá nhân đã có trong kho dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tiến tới giúp cho tổ chức, cá nhân không phải khai báo lại các thông tin đã được lưu trữ góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian trong giải quyết TTHC.

 

Triển khai kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với các Hệ thống của Bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đánh giá về an toàn thông tin, từ từ ngày 15/12/2022 Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, Hệ thống cũng đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 hệ thống của các bộ, ngành Trung ương; hoàn thành việc kết nối “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” với “Hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an” đối với 02 dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú -Trợ cấp mai táng phí. Theo đánh giá của Bộ Công an, với việc hoàn thành vào ngày 21/6/2023 vừa qua, Kon Tum là một trong các địa phương được đánh giá hoàn thành sớm, đây là nhiệm vụ quan trọng thuộc Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Đáng chú ý, sau khi hoàn thành tích hợp, kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc khai thác thông tin, dữ liệu công dân trong công tác giải quyết TTHC của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ cho người dân; hiện tại trên địa bàn tỉnh có 1.483 tài khoản của công chức, viên chức, nhân viên được quyền khai thác cơ sở dữ liệu dân cư thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT còn một số hạn chế và như, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính về thủ tục đất đai của ngành Tài nguyên và Môi trường (ngành có số lượng hồ sơ lớn nhất của cấp tỉnh) còn rất thấp (13%) dẫn đến tỷ lệ chung của cấp tỉnh và toàn tỉnh bị thấp. Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số địa phương còn thấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã; nhiều TTHC cấp huyện, cấp xã chưa phát sinh hồ sơ TTHC trên Hệ thống từ đó dẫn đến quá trình giải quyết TTHC chưa được theo dõi, kiểm tra, đôn đốc. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC của tỉnh Kon Tum còn thấp thấp (hiện chỉ đạt 8%), trong khi Chính phủ giao chỉ tiêu là 30%. Số lượng hồ sơ nộp trực tuyến chỉ đạt 26% so với hồ sơ nộp trực tiếp và các hình thức khác là (chỉ tiêu giao theo quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ Nội vụ là 60% tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình)...

 

Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả thiết nghĩ các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh giao (Quyết đố 55/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh; Kế hoạch số 874/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Công văn số 1339/UBND-TTHCC ngày 11/5/2023 của UBND tỉnh về rà soát thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2023; Kế hoạch số 1311/KH-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh về hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023).

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC đến các doanh nghiệp và người dân; khuyến khích người dân, doanh  nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài  đặt, sử dụng, thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm  nâng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong thời gian tới.

 

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành để phục vụ tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp. Không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tiếp tục thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, cung cấp DVCTT đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum


  
Số lượt xem:934