Kiến nghị đầu tư tuyến cao tốc bắc - nam phía tây (ct.02) đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum
2-7-2024
Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tỉnh Kon Tum có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng của tuyến hành lang Đông Tây, là cửa ngõ để các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar hướng đến các cảng biển khu vực Duyên Hải miền Trung, Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Kiến nghị đầu tư tuyến cao tốc bắc - nam phía tây (ct.02) đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum
CT
Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tỉnh Kon Tum có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng của tuyến hành lang Đông Tây, là cửa ngõ để các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar hướng đến các cảng biển khu vực Duyên Hải miền Trung, Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách với các vùng trong cả nước là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước được Bộ Chính trị cụ thể hóa tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06 tháng 10 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định: “Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN. Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho phát triển vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế,… Nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa)”.
Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku dài khoảng 90Km, quy mô 6 làn xe) được xác định tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku) đảm bảo kết nối giữa các tỉnh trong vùng, liên kết khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ; kết nối thuận lợi với các cửa khẩu quốc tế đi Lào và Campuchia, tăng cường kết nối kết nối quốc tế trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công, khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; thúc đẩy giao thương quốc tế, xuất - nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ gắn kết hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực; thúc đẩy phát triển xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và phát huy lợi thế các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, du lịch nông nghiệp cao nguyên và các loại hình nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái cộng đồng của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Ảnh sưu tầm
Để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 2129/UBND-HTKT ngày 18 tháng 6 năm 2024 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum - Pleiku trong giai đoạn 2021 - 2030 theo các Quy hoạch được phê duyệt.
 
Phòng QLKCHTGT (LTQ)
  
Số lượt xem:337