Với địa hình núi cao, Kon Tum là một trong những địa phương thường xuyên bị sạt lở gây tắc đường, nguy hiểm tính mạng người tham gia giao thông.
Nguy cơ sạt lở chực chờ
Nhiều năm qua, tại tỉnh Kon Tum, các tuyến đường như tỉnh lộ 673, 676, 678, Ngọc Hoàng-Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh và các tuyến quốc lộ 40B, 14C, 24… cứ đến mùa mưa bão lại xảy ra sạt lở.
Việc sạt lở trên các tuyến trọng yếu này không những gây cản trở, ách tắc giao thông mà còn đe doạ tính mạng người dân khi lưu thông trên các đoạn tuyến này.
Đơn cử như tại tỉnh lộ 676 có 6 điểm sạt lở. Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông -Ngọc Linh có 6 điểm và quốc lộ 24 có 7 điểm có nguy cơ sạt lở cao nhất.
Đáng chú ý, quốc lộ 24 là tuyến huyết mạch có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông nhiều. Trong khi đó, tuyến đường mới được đầu tư xây dựng, có nhiều vách núi dựng đứng với ta luy dương cao hàng chục mét chưa ổn định nên tình trạng sạt lở gần như xảy ra thường xuyên vào mùa mưa.
Trong 7 vị trí nguy cơ sạt lở cao trên quốc lộ 24 thì lo ngại nhất là tại vị trí đoạn Km112, đầu thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). Đoạn này có dài khoảng 200m trên ta luy dương đất yếu, hầu như năm nào cũng xảy ra sạt lở.
Nếu mưa kéo dài, nguy cơ hàng trăm mét khối đất đổ sụp xuống đường, đất đá tràn xuống mặt đường gây ách tắc. Cũng tại tuyến đường này, một điểm nguy cơ sạt lở cao nữa là khu vực dốc đa tầng trên địa bàn xã Hiếu (huyện Kon Plông).
Vì vậy, trên tuyến đường này, đơn vị quản lý đường đã chuẩn bị sẵn máy móc, thiết bị, đá hộc, rọ đá tập kết tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng ứng phó.
Để chủ động phòng chống thiên tai và đảm bảo giao thông thông suốt, ngành GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý các tuyến đường xây dựng phương án ứng phó, đồng thời, chuẩn bị vật tư, máy móc, nhân lực để có thể ứng cứu nhanh nhất khi có tình huống bão lũ xảy ra. Tất cả với mục tiêu vì sự an toàn của người dân và không để xảy ra ách tắc giao thông kéo dài.
Ông Trần Kim Tuấn - Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 24 cho biết: Ngoài việc xây dựng phương án phòng chống chi tiết theo phương châm "4 tại chỗ" thì đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng máy móc, thiết bị và vật tư để ứng phó, không để xảy ra ách tắc giao thông.
Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm các vị trí nguy cơ sạt lở dẫn đến tắc đường để tổ chức khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão…
Chủ động ứng phó
Để khắc phục sạt lở, phòng ngừa ách tắc giao thông, ngành GTVT Kon Tum đã chuẩn bị sẵn hàng loạt trang thiết bị, vật tư gồm: 354 rọ đá, hơn 1.426m3 đá hộc và 1 dàn cầu treo, 2 dàn cầu thép Bailei tại đơn vị quản lý đường để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố bất thường.
Cùng với đó, ngành GTVT cũng xây dựng phương án cụ thể về hướng đi khi một số tuyến đường xảy ra ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đối với những tuyến đường không có tuyến tránh hoặc không có đường khác để lưu thông, khi xảy ra sự cố sạt lở sẽ huy động thiết bị, máy móc của các đơn vị xây dựng trên địa bàn tổ chức khắc phục nhanh nhất để thông đường, đảm bảo giao thông…
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Thuần, Phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum cho biết: "Qua theo dõi nhiều năm, tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, khó lường và ảnh hưởng tới các công trình giao thông cũng như sự an toàn của người dân.
Ngay từ đầu năm Sở đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên các tuyến đường trong mọi tình huống".
Cũng theo ông Thuần, ngành GTVT tỉnh đã thành lập "Ban chỉ đạo phụ trách các tuyến đường". Theo đó, các thành viên ban chỉ đạo sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường triển khai các phương án phòng chống hiệu quả.
"Sở yêu cầu đơn vị được giao quản lý đường tăng cường tuần tra, rà soát, xác định những vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở, cắm biển cảnh báo cho người dân biết đề phòng; đồng thời, tập kết vật liệu tại những khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao, mất ATGT để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố sạt lở.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý chủ động chuẩn bị sẵn máy móc, nhân lực kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi có mưa bão, không để ách tắc giao thông kéo dài…", ông Thuần cho biết.