Mỗi lần đi qua ngã ba, ngã tư, lúc không có cảnh sát giao thông, không cần để ý cũng thấy có người vụt qua đèn đỏ, như thể vừa làm được việc gì đó lớn lao và thú vị lắm. Những người này cho rằng: " Đèn vàng là tín hiệu để quan sát. Có cảnh sát thì ngoan ngoãn dừng lại, bằng không thì "vèo", dừng làm gì cho mệt"! Nhưng cảnh sát cũng có nhiều kinh nghiệm, nên ngày nào cũng có mấy chục, thậm chí có nơi mấy trăm người thấp thỏm, buồn bã cầm hóa đơn phạt đến phòng cảnh sát xin lại xe, chủ yếu là moto. Ngày nào cũng có, tháng nào cũng đông, như một điệp khúc buồn.
Kinh hoàng hơn, đi đường thỉnh thoảng lại nghe "rầm", thế là đám đông túm tụm lại, tò mò nhìn nạn nhân đang nằm im sóng sượt hay quằn quại đau đớn, máu me bê bết. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, đám đông giãn ra, có người hãi hùng kinh sợ, nhiều người bình thản. Chúng ta đã quen với tai nạn giao thông của đồng loại rồi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ.
Bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ.
Mặc dù dã giảm so với những năm trước, song con số thật kinh hoàng! Vì sao số vụ tai nạn giao thông ở ta vẫn diễn ra phức tạp? Phải chăng lỗi do người Trung Quốc sản xuất ra xe moto rồi bán sang Việt Nam? Lỗi do đường nhựa láng bóng chăng? Không! Lỗi do ý thức, hành vi của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông, hay nói cách khác do mức độ văn hóa giao thông còn chưa cao. Cố tình vi phạm luật giao thông là thái độ thiếu tôn trọng người khác khi tham gia giao thông, là cách cư xử thiếu văn hóa, vì luật giao thông quy định trên cơ sở những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người.
Nhiều người nước ngoài bàng hoàng khi đi đường ở nước ta, họ như không thể tin một đất nước có nền văn hóa lâu đời và phong phú đến thế, một dân tộc văn minh đến thế mà tình trạng giao thông lại còn hạn chế đến thế! Thôi thì đành giải thích rằng nước ta đi từ "văn hóa đi bộ, "văn hóa xe đạp" sang văn hóa đi moto, xe máy, cũng như từ nền "văn hóa làng xã" sang "văn hóa đô thị" nên phải trả giá trong quá trình chuyển mình vậy.
Cách đây khá lâu, vị giáo sư toán học nổi tiếng người Mỹ ông Seymour Papert, người mang đến Việt Nam bài thuyết trình về mô hình toán học mô phỏng tình trạng giao thông của thành phố, đã chết vì tai nạn giao thông tại Hà Nội. Không biết giới toán học thế giới nghĩ gì? Là người Việt Nam chân chính, không ai không thấy đau xót và hổ thẹn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong một bài thơ gần đây, gọi "thủ phạm" đó chính là "sự hung bạo". Phải, sự hung bạo ngày ngày diễu võ giương oai trên đường phố, trước mắt hàng ngàn người. Sự hung bạo ẩn mình trong các cuộc đua xe gầm rú trên đường phố, nấp sau cái đánh võng của kẻ băng qua đèn đỏ, lấp ló trong cử chỉ rải đinh ghê rợn của người mà chính họ cũng ngày ngày tham gia giao thông.
Văn hóa giao thông, hay văn hóa ứng xử của người với người trong quá trình tham gia giao thông là vấn đề được xã hội ta hiện nay đặc biệt quan tâm, đó là tín hiệu đáng mừng, gợi lên nhiều suy nghĩ, tin tưởng và hy vọng.
Đặng Minh Sáng