banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Kết quả chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính
21-4-2023
Chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính có vai trò rất quan trọng và mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cá nhân. Thông qua chuyển đổi số, các thủ tục hành chính trở nên minh bạch hơn do thông tin được lưu trữ trên hệ thống điện tử, đảm bảo tính toàn vẹn và không thể bị thay đổi. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp tăng tốc độ xử lý thông tin và giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính; việc xử lý thông tin trên hệ thống điện tử cũng giúp giảm chi phí cho cả cơ quan nhà nước và công dân so với việc thực hiện thủ tục thủ công.

 

Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh số hóa  hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, trong đó gắn việc cố hóa hồ sơ, kết quả giải quyết THHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết TTHC, đây là giải pháp quan trọng để hình thành, làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu (tài nguyên chiến lược của cách mạng số).

 

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tham dự Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ

 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã giúp làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu lớn phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Một số bộ, địa phương triển khai tết như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng,... 

 

Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, thực chất. Đồng thời, việc tái cấu trúc quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC giúp đơn giản hóa trình tự, các bước, công việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng năng suất lao động. Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều dịch vụ công phát sinh hồ sơ lớn trong 3 tháng đầu năm 2023 như thông báo khuyên mại (360 nghìn), đăng ký xe (725 nghìn), giải quyết hưởng trọ cấp thất nghiệp (45 nghìn)... Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 12.5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành triển khai theo cơ chế một cửa quốc gia với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thống vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Long An, Khánh Hòa, Kon Tum, Hải Dương, An Giang, Thái Nguyên,...

 

Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam đã tích cực triển khai thí điểm 02 dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí”. Trên cơ sở kết quả làm thí điểm cũng như ý kiến tham gia của các bộ, ngành và hai địa phương nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện, ban hành quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm dịch vụ công liên thông để triển khai thống nhất trên toàn quốc.

 

Tăng cường công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã công khai 6.472 TTHC (tại bộ, cơ quan: 3.868 TTHC, tại địa phương: 1.395 TTHC và 1.753 TTHC của cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương). Đồng thời, người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi được toàn bộ quá trình giải quyết TTHC của mình, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá. Nhiều bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, định kỳ háng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công; 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.

 

Thực hiện chỉ đạo, điều hành chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được thực hiện dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đã được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 01/8/2022, là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc kiểm soát thực thi ("điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay), giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Một số địa phương đã tích cực khai thác Bộ chỉ số để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương mình như: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Kon Tum, Yên Bái,...

 

Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo, điều hành các cấp. Đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 202210, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNelD; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương (tăng 01 doanh nghiệp và 29 địa phương so với tháng 12/2022) phục vụ làm sạch dữ liệu của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chí dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

 

Liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, trên cơ sở khai thác thông tin, dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát 43 Thông tư, Quyết định, văn bản thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú, thực hiện công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện TTHC có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ - Để giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum


Số lượt xem:1012

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

TRANG THÔNG TIN SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Giao Thông Vận Tải, Tầng 6, Tòa nhà B Khối tổng hợp - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum , Tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862536 ; Email: sgtvt@kontum.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum' hoặc 'www.sgtvt.kontum.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


1126967 Tổng số người truy cập: 11385 Số người online:
TNC Phát triển: