banner
Thứ 4, ngày 25 tháng 12 năm 2024
Khánh thành đường Hồ Chí Minh: Niềm vui lan tỏa Tây Nguyên
13-7-2015

12

Nghi lễ gắn biển công trình đường HCM 

Tham dự buổi lễ có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng các lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, Trung ương đoàn TN Việt Nam, các Bộ ban ngành, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.

_DSC7773

Đường HCM đẹp như lụa góp phần nâng cao đời sống cho người dân

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khái quát về quá trình xây dựng nâng cấp đường HCM, trong đó đặc biệt nhất mạnh đến công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ đã thành lập các Ban chỉ đạo do các đồng chí Phó Thủ tướng là trưởng ban chỉ đạo giải quyết các khó khăn về công tác GPMB, chỉ đạo thi công và thu xếp vốn cho dự án. Chính vì vậy trong quá trình triển khai dự án đã có những đột phá về công tác GPMB, một số địa phương đã bàn giao toàn bộ mặt bằng sau 6 tháng triển khai, cá biệt có địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng sau 3 tháng triển khai như Kon Tum, Gia lai…

2

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường báo cáo tổng thể dự án

Với chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến các xã, cũng đồng lòng ủng hộ tích cực trong công tác GPMB để đường HCM sớm thành.

Tại buổi Lễ khánh thành, Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của đường HCM đối với mảnh đất Tây Nguyên:

"Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội và môi trường sinh thái của đất nước. Trong những năm qua, với sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội không ngừng phát triển; hệ thống giao thông đường bộ từng bước hình thành rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác, trong đó có 11 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 2.185 km, 59 tuyến tỉnh lộ đã được nhựa hóa và cứng hóa.

8

Đại tưởng Trần Đại Quang phát biểu tuyên bố khánh thành dự án

Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của vùng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên, Bộ GTVT, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ ngành đã tập trung nghiên cứu xây dựng và phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ và huy động các nguồn vốn nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước. Đây là tuyến đường xương sống huyết mạch, có tầm quan trọng chiến lược với tổng chiều dài 663 km từ Đăk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; trước năm 2013 đã được đầu tư hoàn thành 244 km.

Từ năm 2013 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, 419 km còn lại của đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng và triển khai thi công đồng bộ và đến nay đã được hoàn thành thông xe toàn tuyến đúng thời gian dự kiến, vượt hơn một năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Có thể khẳng định, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường HCM cũng như việc triển khai các dự án: sân bay Pleiku, quốc lộ 20, quốc lộ 28, quốc lộ 26... vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên".

4

Ban chỉ đạo Tây Nguyên trao tặng bằng khen cho cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc trên đường HCM

Những đại biểu tham gia Lễ khánh thành đều vui mừng về tuyến đường HCM đẹp và hiện đại. Chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ea Ral, huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) vui mừng đón nhân bằng khen với thành tích cá nhân đã có đóng góp hết mình để đẩy nhanh tiến độ đường HCM. Chị tâm sự: "Trong công tác GPMB, chúng tôi không cần phải 'đao to, búa lớn', nhưng thực hiện đúng theo câu nói của Bác Hồ 'Đảng viên đi trước làng nước theo sau'. Trước hết, chúng tôi động viên cán bộ, đảng viên chấp hành tốt công các GPMB, sau đó thành lập hội đồng vận động đến từng hộ dân nhỏ nhẹ khuyên giải cho họ hiểu ý nghĩa vô cùng quan trong của đường HCM đối với cuộc sống người dân Tây Nguyên. Chúng tôi, kể cho họ nghe những câu chuyện mà cách đây hàng chục năm, khi cùng nhau từ dưới miền xuôi lên đây lập nghiệp. Đường Tây Nguyên đỏ màu đất bazan mà phải quốc bộ hàng chục km. Khi đó, người dân ước ao có con đường nhỏ rải đá để đi. Bây giờ, mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng tốt hơn, nhưng nhìn ra trục đường chính lại lầy lội. Dự án đường HCM đang đẩy nhanh tiến độ, đó không phải là mong ước của người dân sao?".

Dự án đường HCM qua các tỉnh Tây nguyên & tỉnh Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663km từ Đắk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này đã được đầu tư 110km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007), còn lại 553km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008). Trong đó khoảng 134km qua đô thị các tỉnh Tây nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419km chia làm 11 dự án thành phần (6 dự án vốn TPCP và 5 dự án BOT) được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (Bnền = 12m, Bmặt = 11m) cho 02 làn xe cơ giới, 02 làn thô sơ; một số đoạn qua đô thị được mở rộng 04 làn xe cơ giới và 02 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (QL14), mở rộng 02 bên để hạn chế GPMB, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn. 

Đường HCM hoàn thành, người nông dân sẽ là người được lợi đầu tiên. Ngay trong tháng 5/2015, khi đường HCM chưa hoàn thành, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức một Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên. Ngay lập tức có 13 doanh nghiệp ký kết thực hiện 13 dự án với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỉ đồng. Số vốn đầu tư vào Tây Nguyên lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay dài hạn với số tiền khoảng 15 nghìn tỉ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên.

Trong đó, có hơn 1 nửa là các dự án đầu tư về nông nghiệp. Có những dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thiết thực, như đề án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên của Cty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực chất là đề án cho vay vốn phát triển mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm tiền vay của Cty CP Him Lam. Mục đích đầu tiên là đồng hành và giúp bà con nông dân Tây Nguyên làm giàu trên mảnh đất màu mỡ và quý hiếm phù hợp với cây mắc ca.

Để thực hiện đề án, nhà đầu tư đã đăng ký xin các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 1.000 ha, chủ yếu là ươm giống và hình thành các vườn cây bố mẹ lâu dài là những cây đầu dòng. Nhà đầu tư cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm, và phối hợp đơn vị bảo hiểm cung cấp bảo hiểm tiền vay 100%. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thì người dân không mất vốn, bởi đã có công ty bảo hiểm và Him Lam gánh chịu rồi. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có hàng chục ngàn hộ dân hưởng lợi từ dự án trồng cây mắc ca. Ngoài các dự án về nông nghiệp, đường HCM đẹp các dự án về du lịch, dịch vụ, vận tải cũng đang được các nhà đầu tư mạnh mẽ.

11

Cắt băng khánh thành đường HCM

Đường HCM hoàn thành, không chỉ người nông dân hưởng lợi, mà hầu hết các ngành nghề đều phát triển. Ngành vận tải được hưởng lợi nhìn thấy rõ nhất. Ngày trước, người dân Kon Tum muốn đi Tp.HCM luôn phải đợi xe khách các tỉnh đi qua. Thế nhưng, năm 2015 các đơn vị vận tải trên địa bàn Kon Tum mạnh dạn đầu tư xe giường nằm để tạo thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn.

Ông Bùi Ngọc Sĩ, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc, cho biết: "Từ cuối năm 2014, nắm bắt thông tin đường HCM sẽ hoàn thành vào năm 2015, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư cho vận tải hành khách tuyến Kon Tum- Tp.HCM. Năm 2014 chúng tôi mua 5 xe ô tô khách Huynhdai nhập nguyên chiếc từ Hàn Quốc với giá hơn 4 tỉ đồng/xe. Năm 2015 chúng tôi lại tiếp tục đầu tư thêm 6 xe nhập nguyên chiếc nữa".

Tại buổi Lễ khánh thành, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 14 cá nhân đã có thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Bộ GTVT đã trao tặng Kỉ niệm chương và Bằng khen cho 9 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự thành công của Dự án đường Hồ Chính Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 16 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự thành công chung của đường Hồ Chinh Minh.

Ông Bùi Ngọc Sĩ phân tích rất cụ thể lợi ích cho vận tải hành khách khi đường HCM đẹp sau nâng cấp ở rộng. Nếu như trước kia cứ khoảng 10 đến 15 ngày xe ô tô Minh Quốc phải thay hệ thống phanh một lần, thì nay là khoảng 20 đến một tháng. Ngày trước đường xấu thường xuyên nổ nốp xe dọc đường và thay nốp xe liên tục, nhưng nay từ đầu năm 2015 đường HCM thảm nhựa đẹp, đến giờ không còn tình trạng nổ nốp xe dọc đường nữa. Trước kia đường xấu cũng hao xăng hơn, do bụi đường làm hư hỏng bộ lọc dầu, lọc khí với lại tài xế phải thường xuyên ra vào số, tăng giảm ga liên tục nên lượng dầu cũng tiêu hao nhiều hơn. Một điều cực quan trọng nữa là đường xấu bộ cao su đệm sàn máy rất nhanh hỏng, nó ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống kết nối trên vỏ xe, xe rất nhanh xuống cấp. Vì vậy, nhà đầu tư vận tải hành khách rất ngại đầu tư xe ô tô đắt tiền. Nay đường đẹp, không có lý do gì chủ đơn vị vận tải không đầu tư xe tốt để thu hút hành khách. 

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ khánh thành:

1

Toàn cảnh buổi lễ khánh thành

10

Trước khi buổi lễ diễn ra, Ban QLDA đường HCM báo cáo Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ Trưởng Đinh La Thăng về những điểm nhấn thành công dự án

3

Các đại biểu tìm hiểu về dự án đường HCM qua bài viết đăng trên Báo Giao thông

6

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao tặng Kỷ niệm chương, Bằng khen cho các cá nhân tập thể

5

 

7

 

Theo Báo Giao thông

Số lượt xem:946

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

TRANG THÔNG TIN SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Giao Thông Vận Tải, Tầng 6, Tòa nhà B Khối tổng hợp - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum , Tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862536 ; Email: sgtvt@kontum.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum' hoặc 'www.sgtvt.kontum.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


1228862 Tổng số người truy cập: 3421 Số người online:
TNC Phát triển: