Thời gian gần đây trên các tuyến đường bộ trong phạm vi toàn quốc đã xảy ra một số vụ va chạm giữa phương tiện tham gia giao thông với lan can phòng hộ, đặc biệt là lan can phòng hộ bằng tôn lượn sóng được lắp đặt tại lề đường và dải phân cách giữa. Đa số các vụ tai nạn loại này, hệ thống lan can phòng hộ đã phát huy tác dụng, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của va chạm, hoặc ngăn cản việc phương tiện lao ra khỏi trục đường chính, giảm bớt xung lực và tốc độ phương tiện khi va chạm mạnh. Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện một số vụ tai nạn phương tiện sau khi va chạm với hộ lan tôn sóng xuyên qua khoang cabin chở người dẫn đến người ngồi trên xe bị thương, hoặc có nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hình ảnh một số vụ tai nạn phương tiện va chạm với hộ lan tôn sóng
(nguồn: Internet)
Để giảm nguy cơ tai nạn, tai nạn nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra va chạm giữa phương tiện tham gia giao thông với hệ thống hộ lan phòng hộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã có Văn bản số 4611/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 10 tháng 7 năm 2024 yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Nhà đầu tư BOT và VEC rà soát hệ thống lan can phòng hộ trên toàn bộ các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý để phát hiện các tồn tại bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các đoạn đường bộ và xử lý:
- Trường hợp điểm đầu, cuối hộ lan tôn lượn sóng chưa được lắp đặt tấm đầu, hoặc chưa được vuốt nối chuyển tiếp hộ lan phòng hộ xuống mặt đất thì phải xử lý ngay để giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn nghiêm trọng khi xảy ra va chạm giữa phương tiện tham gia giao thông với lan can phòng hộ;
Hình ảnh vuốt nối chuyển tiếp hộ lan phòng hộ xuống mặt đất
- Tại điểm đầu lan can phòng hộ, điểm đầu dải phân cách giữa, tường chắn kết cấu bê tông xi măng nếu chưa được dán phản quang hoặc bố trí đèn cảnh báo, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm do khó nhận biết khi trời tối, sương mù (trừ các đoạn đường đã có đèn chiếu sáng) cần bổ sung ngay màng phản quang, hoặc đinh phản quang tại các vị trí này theo hướng xe chạy.
Hình ảnh bố trí đèn cảnh báo, đinh phản quang, biển báo tại điểm đầu dải phân cách giữa Dự án: Nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh thuỷ điện Plei Krông trên tuyến đường HCM, đoạn Tân Cảnh - Kon Tum, tỉnh Kon Tum
- Các hình thức bố trí lan can phòng hộ khác nếu chưa phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông như: tường hộ lan quá sát phần đường xe chạy; lan can thành cầu, đầu cống ngang thuộc các công trình cầu, cống có bề rộng nhỏ hơn phần đường dẫn đầu cầu cần được xử lý sớm.
- Tăng cường kiểm tra, rà soát công tác tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ, công trình An toàn giao thông đường bộ. Nếu có tồn tại, bất cập, chưa hợp lý phải kịp thời xử lý ngay để tăng cường ATGT.
- Đối với các dự án (hoặc BCKTKT) sửa chữa công trình đường bộ phải bố trí, xây dựng, lắp đặt công trình lan can phòng hộ và báo hiệu đường bộ đúng quy định.
Phòng Quản lý KCHTGT (LTQ)