banner
Thứ 5, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp
3-7-2018

1.  Đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình

- Theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều 3 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định:

“- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

- Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”.

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã giao Bộ Giao thông vận tải “Quy định cụ thể về việc quản lý và cấp phù hiệu cho xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách, vận tải hành khách nội bộ; lộ trình và đối tượng đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp phải cấp Giấy phép kinh doanh”.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đã quy định cụ thể:

1. Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc một trong các đối tượng sau đây:

a) Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

b) Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

c) Có từ 05 xe trở lên.

d) Sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.

2. Lộ trình thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.”

Tóm lại: Trên cơ sở các quy định nêu trên thì đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa (trừ hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ) và có số lượng dưới 05 xe không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình.

2. Nội dung hướng dẫn thực hiện đối với đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe vận tải hàng hóa khi tham gia giao thông

- Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008:(1) điểm a khoản 1 Điều 73 quy định “Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó”; (2) điểm a khoản 1 Điều 75 quy định “Người nhận hàng có các quyền nhận và kiểm tra hàng hóa nhận được theo giấy vận chuyển hoặc chứng từ tương đương khác”; (3) điểm a khoản 2 Điều 75 quy định  “Người nhận hàng có các nghĩa vụ nhận hàng hóa đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận; xuất trình giấy vận chuyển và giấy tờ tùy thân cho người kinh doanh vận tải trước khi nhận hàng hóa”; (4) khoản 3 Điều 72 quy định “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô”; (5) khoản 2 Điều 58 quy định:

“2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

- Theo quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã quy định về Giấy vận tải (Giấy vận chuyển):

(1) khoản 2 Điều 52 đã quy định về Giấy vận tải (Giấy vận chuyển)

“2. Giấy vận tải

a) Giấy vận tải bao gồm các thông tin sau: tên đơn vị vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình (điểm khởi đầu, lộ trình, điểm kết thúc hành trình); số hợp đồng (nếu có), ngày tháng năm ký hợp đồng; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải. Cự ly của hành trình hoạt động được xác định từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc của chuyến đi.

b) Giấy vận tải do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải.

c) Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng uỷ quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân (nếu là cá nhân) thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào Giấy vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 28 của Thông tư này.”;

(2) khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 53 đã quy định đối với lái xe vận tải hàng hóa”

“6. Khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật.

7. Lái xe không được chở hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

8. Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, lái xe có trách nhiệm yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào Giấy vận tải và có trách nhiệm từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định của pháp luật.” 

Tóm lại: Khi đơn vị sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa thì lái xe phải mang theo các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ và Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) theo quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (mẫu phụ lục số 28 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, đối với các đơn vị vận chuyển hàng hóa không thu tiền trực tiếp thuộc đối tượng không phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cho phương tiện thì tại Giấy vận tải các đơn vị ghi thêm thông tin về số lượng xe của đơn vị và thuộc đối tượng không phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cho phương tiện) để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra trên đường yêu cầu; trên cơ sở Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) và các giấy tờ này lực lượng chức năng sẽ xác định được là đơn vị có thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu hay không.

Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái

Số lượt xem:1590

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

TRANG THÔNG TIN SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Giao Thông Vận Tải, Tầng 6, Tòa nhà B Khối tổng hợp - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum , Tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862536 ; Email: sgtvt@kontum.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum' hoặc 'www.sgtvt.kontum.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


1230177 Tổng số người truy cập: 1707 Số người online:
TNC Phát triển: