Bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác. Bảo trì đường bộ thường xuyên là công việc đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố. Việc này giúp thúc đẩy nền kinh tế vùng phát triển; tạo nên sự giao thương thuận lợi với các vùng lân cận giúp cho người dân tăng cường thu nhập.
Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được thực hiện nhằm hỗ trợ Chính phủ và Bộ GTVT trong Chiến lược quốc gia về Phát triển Giao thông Nông thôn và Chương trình Xây dựng cầu dân sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực dân tộc thiểu số và cải thiện tiếp cận tại các khu vực nông thôn có khả năng tiếp cận thấp, đặc biệt là các khu vực nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo sinh sống cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác như phụ nữ độc thân và trẻ em.
Dự án LRAMP khuyến khích nhân rộng các mô hình bảo dưỡng thường xuyên do phụ nữ chủ trì thực hiện mà đã được thực hiện trong Dự án giao thông nông thôn 3, đồng thời hướng tới mở rộng phạm vi tới các nhóm cộng đồng (do các cá nhân hoặc các tổ chức quần chúng –Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên ... ở cấp địa phương đứng đầu). Các hoạt động của dự án trong giai đoạn 2017-2020 đã triển khai mô hình tới 14 tỉnh của hợp phần đường của dự án LRAMP, bao gồm Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kan, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Bình Định.
Tính đến năm 2020, các tỉnh tham gia dự án đã thực hiện bảo dưỡng thường xuyên được cho 46.036km đường được chủ trì thực hiện bởi các đơn vị tư nhân và của cộng đồng. Việc duy tu, bảo dưỡng đường đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp các phương tiện tham gia giao thông được bảo đảm an toàn, thông suốt, từng bước kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và giúp người dân lưu thông thuận lợi và tăng khả năng kết nối liên hoàn với đường tỉnh, huyện và quốc lộ; góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Cũng nhờ giao thông được cải thiện nên thu hút đầu tư phát triển, trung chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả tốt, tạo lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
Việc cộng đồng tham gia vào hoạt động duy tu bảo dưỡng đường giao thông sẽ mang lại công ăn, việc làm và nguồn thu nhập cho người dân trong cộng đồng thông qua phần việc bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Việc áp dụng mô hình đánh dấu tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và huy động để xây dựng một nền văn hóa bảo dưỡng đường giao thông trên toàn Việt Nam. Văn hoá bảo dưỡng đường giao thông được thể hiện ở sự phối hợp rõ ràng và chặt chẽ giữa các bộ giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân và Hội phụ nữ ở mỗi cấp và giá trị ngân sách thường xuyên của tỉnh đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường địa phương.
Ngoài ra, sự tham gia của các nhóm phụ nữ vào công tác bảo dưỡng đường giao thông tại địa phương sẽ đem lại một hiệu quả tốt cho dự án do sẽ giúp nâng cao được tính sở hữu của cộng đồng đối với tài sản đường bộ và qua đó xây dựng ý thức quản lý đường bộ địa phương của cộng đồng. Việc tham gia vào công tác bảo dưỡng đường, sẽ hỗ trợ được các gia đình phụ nữ có thêm thu nhập, nâng cao được vai trò của phụ nữ trong cộng đồng và qua phụ nữ, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo dưỡng đường sẽ được cải thiện. Đồng thời, phụ nữ tham gia vào việc bảo dưỡng đường có tác động lớn đến nhận thức, thói quen trong việc phân công lao động giữa nam và nữ, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung được bình đẳng hơn.
Để hưởng ứng công cuộc xây dựng một văn hóa bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên toàn Việt Nam, chúng ta cần cùng nhau thực hiện các biện pháp sau:
1. Hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của công tác bảo dưỡng đường thường xuyên;
2. Tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động bảo dưỡng thường xuyên do các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức.
3. Hãy lên tiếng khi có các hành vi gây tổn hại đến hệ thống đường giao thông;
4. Chung tay xây dựng một xã hội sử dụng hệ thống giao thông văn hoá, văn minh;
5. Nâng cao nhận thức là chìa khóa để xóa bỏ các hành vi phá hoại hệ thống giao thông;
6. Hành vi phá hoại hệ thống giao thông là một trong các hành vi vi phạm pháp luật;
7. Tham khảo các sổ tay hướng dẫn bảo dưỡng đường bộ để áp dụng các biện pháp bảo trì đúng kỹ thuật, đúng thời điểm
Để nắm thông tin chi tiết về mô hình và cách thức triển khai, tham gia mô hình và tiếp nhận tài liệu hướng dẫn, Quý vị có thể tham khảo trên trang web của Sở GTVT địa phương, hoặc liên hệ tới tổ chức tư vấn hỗ trợ theo địa chỉ:
Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển (DRCC)
Số 26 đường Nguyễn Văn Ngọc, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024 62730414
Email: huongnguyen2210@gmail.com
Đính kèm: sổ tay hướng dẫn, tài liệu giảng dạy, băng rôn, panno, quy cách +video
1. video: Video hướng dẫn BDTX
2. Sổ tay CS6.pdf
3. 2. Tờ rơi, băng rôn, áp phích.rar
4. 4. Slide giảng dạy.rar