Đột phá hạ tầng nâng cao năng lực cạnh tranh
Điểm nhấn trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ đầu năm 2015 đến nay là hàng loạt các dự án trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Điều này không chỉ tạo điều kiện phát triển KT-XH các địa phương thụ hưởng trực tiếp từ dự án mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, tính đến thời điểm này, ngành GTVT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra cho 9 tháng. Nổi bật nhất là công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua có nhiều kết quả tích cực. “Hầu hết các dự án đều hoàn thành vượt tiến độ. Đặc biệt QL1 đến hết tháng 10 có thể hoàn thành toàn bộ. Như vậy, toàn dự án hoàn thành trước kế hoạch đề ra 2 tháng và vượt tiến độ chung của dự án một năm”, Thứ trưởng Trường nói và cho biết, để có được kết quả này, trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt là giai đoạn nước rút, hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT đều tiến hành giao ban, kiểm điểm tiến độ.
“Tại các cuộc họp, kiểm tra hiện trường các dự án do đích thân Bộ trưởng và các Thứ trưởng thực hiện đã kịp thời thay thế các đại diện chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém. Vì thế, các dự án không chỉ kiểm soát được tiến độ, chất lượng mà còn chủ động xử lý nhiều vấn đề phát sinh. Như hằn lún vệt bánh xe là vấn đề tồn tại đã được kịp thời phát hiện và khắc phục. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xử lý hằn lún trên QL1 và QL14”, Thứ trưởng Trường thông tin.
Cũng trong thời gian qua, 187 cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số đã được Bộ GTVT, các cơ quan chức năng triển khai và hoàn thành, cải thiện đáng kể việc đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2 của đề án tiếp tục được Bộ xúc tiến huy động các nguồn vốn để triển khai.
Ngoài công tác đầu tư XDCB, lĩnh vực xây dựng VBQPPL cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đã hoàn thành vượt trước tiến độ nhiều thông tư như: Triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; công tác CCHC và TTHC cũng được triển khai có hiệu quả và được đánh giá dẫn đầu về CCHC trong 19 bộ, ngành Trung ương. Về chỉ số đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, ngành GTVT cũng đứng thứ hạng cao. Về chỉ đạo điều hành, Bộ tiếp tục thực thi nhiệm vụ với trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành.
“Trong hoạt động tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, tính đến thời điểm này chúng ta đã hoàn thành mục tiêu CPH các doanh nghiệp của cả năm 2015. Đã trình và được Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án CPH Vinalines và Tổng công ty Cảng hàng không. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai thực hiện việc tự chủ và từng bước thực hiện CPH các đơn vị công lập”, Thứ trưởng Trường nói.
Dưới góc nhìn từ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, thời gian qua, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể với việc thu hút nhiều nguồn vốn BOT, xây dựng được nhiều dự án giao thông trọng điểm góp phần cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, tạo điều kiện cho phát triển. “Việc hoàn thành sớm hai dự án trọng điểm QL1 và QL14 mang lại niềm vui lớn cho giới kinh doanh vận tải, góp phần hạ chi phí, tăng khả năng cạnh tranh”, ông Thanh nói.
Cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ
Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, chất lượng dịch vụ ở hầu hết các lĩnh vực của ngành GTVT được nâng lên đáng kể. Với hàng không, thời điểm 9 tháng đầu năm đánh dấu nhiều mốc quan trọng, góp phần thay đổi mạnh mẽ về chất cho loại hình vận tải hội nhập sớm nhất này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, dự án CHK quốc tế Long Thành đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Hiện dự án đang từng bước được triển khai.
Cùng với sự kiện trên, việc hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) liên tiếp đón nhận và đưa vào khai thác đồng thời hai dòng máy bay thân rộng hiện đại bậc nhất hiện nay là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 cũng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong lĩnh vực hàng không 9 tháng đầu năm.
“Vietnam Airlines là hãng đầu tiên và duy nhất trên thế giới dám nhận một lúc hai loại máy bay thế hệ mới này. Dự kiến, cuối năm, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận đủ 5 chiếc Boeing 787 và bốn chiếc Airbus A350”, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết.
Về chất lượng dịch vụ, ngành Hàng không tiếp tục “ghi điểm”, theo thống kê của Cục Hàng không VN, 9 tháng đầu năm, các hãng hàng không trong nước đã thực hiện hơn 151 nghìn chuyến bay. Trong số này, chỉ có 23,7 nghìn chuyến bay bị chậm (chiếm 15,6%, giảm 3,1 điểm so với cùng kỳ năm 2014) và 834 chuyến bay bị hủy (chiếm 0,5%, giảm 1,9 điểm so với cùng kỳ năm 2014). Tỷ lệ này theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh là nằm ở top đầu khu vực và mức khá trên thế giới.
Với ngành Đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc TCT Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trong 9 tháng đầu năm giá trị tổng sản lượng đã đạt 6.010,9 tỷ đồng, bằng 99,1% kế hoạch năm.
“Tuy nhiên, nổi bật nhất là VNR đã đưa vào triển khai thành công hệ thống bán vé tàu điện tử tự động. Hệ thống này cho phép hành khách không những có thể mua vé tàu ở bất cứ đâu chỉ cần có thiết bị kết nối internet, không phải ra ga lấy vé như trước mà còn có thể tự in thẻ đi tàu rất thuận tiện”, ông Hoạch nói và cho biết, các dự án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt thời gian qua có chuyển biến tích cực. Trong tháng 9, VNR đã ký kết hợp đồng với đối tác đầu tư bãi hàng ga Yên Viên. Các bãi hàng ga Đồng Đăng, bãi hàng ga Sóng Thần đang tổ chức thẩm định để phê duyệt. Năm 2015, công tác tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Đường sắt.
Lĩnh vực đường bộ cũng có nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành đường bộ năm nay là “Giảm TNGT - Không còn xe quá tải”. Dù còn gần ba tháng nữa mới “chốt” số liệu, nhưng mục tiêu giảm TNGT vẫn đang trên lộ trình “về đích”. Chia sẻ về mục tiêu “không còn xe quá tải”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: “Nói đã hết xe quá tải rất khó, nhưng tình trạng xe quá tải hoạt động ngang nhiên đến nay đã cơ bản được kiểm soát, số xe vượt tải trọng trên 100% đã giảm nhiều. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các địa phương đã tích cực vào cuộc”.
“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát tải trọng xe tại các cảng đầu mối hàng hóa, làm nhanh để sớm ban hành và thực hiện Nghị định 171 (sửa đổi) với nhiều mức xử phạt tăng cao đối với hành vi chở quá tải sẽ có chuyển biến tốt hơn”, ông Huyện nói.
Những con số và đánh giá ấn tượng
* Ngày 30/9, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (Global Competitiveness Report 2015-2016) được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc từ 76 (năm 2014) lên 67 (năm 2015). Báo cáo về xúc tiến thương mại toàn cầu, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 29 bậc so với năm 2010. Tổng hợp các kết quả đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua tăng tới 38 bậc.
* Ngày 4/9, theo công bố Chỉ số CCHC năm 2014 của Bộ Nội vụ, Bộ GTVT lần thứ hai liên tiếp đứng đầu về chỉ số CCHC trong số 19 Bộ, ngành Trung ương.
* Ngày 22/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI 2014). Mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ. Đồng thời, Bộ GTVT cũng dẫn đầu 14 Bộ ở Chỉ số xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật với 68,22 điểm và được đánh giá là “Ngôi sao cải cách”.
* Bộ GTVT đã tổ chức 11 hội nghị đối thoại và nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải để trả lời, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong hoạt động kinh doanh các lĩnh vực vận tải.
* Trong 9 tháng đầu năm 2015, có 13 dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 40 nghìn tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước hoàn thành sớm hơn 1,5 năm. Cùng đó, ngành GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 26/38 dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2015, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
|
Nguồn Báo Giao thông