banner
Thứ 4, ngày 25 tháng 12 năm 2024
Ngành GTVT phát huy truyền thống 70 năm “đi trước mở đường”
27-8-2015

11

Việc TCT Đường sắt Việt Nam nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách đi tàu ngày càng được người dân ghi nhận - Ảnh: Khánh Linh

Kể từ ngày thành lập, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hành trình gian khổ nhưng đầy tự hào

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hành động khẩn trương, quyết đoán của Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời trong việc hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta, ngay từ đầu, đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển GTVT. Bởi như chính Hồ Chủ tịch đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, chúng ta hãy cùng nhau tưởng nhớ và ghi ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu. Chính Bác là người đầu tiên “đi trước mở đường”, con đường lớn, con đường tự do, ấm no hạnh phúc cho cả dân tộc đi đến bến bờ vinh quang và để lại cho ngành GTVT một tinh thần bất diệt về lòng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

"Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, chúng ta hãy cùng nhau tưởng nhớ và ghi ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu. Chính Bác là người đầu tiên “đi trước mở đường”, con đường lớn, con đường tự do, ấm no hạnh phúc cho cả dân tộc đi đến bến bờ vinh quang và để lại cho ngành GTVT một tinh thần bất diệt về lòng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận mệnh của ngành luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc qua mỗi bước thăng trầm. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, người lao động ngành GTVT đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu, đồng thời khẩn cấp vận chuyển sơ tán các cơ quan, công sở của T.Ư và địa phương vào vùng căn cứ kháng chiến. Hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, chủ yếu được gồng gánh, mang vác hoặc vận chuyển bằng các loại phương tiện thô sơ như: Xe kéo, thuyền bè đã được bảo toàn nguyên vẹn để phục vụ kháng chiến lâu dài. Khi Đảng đề ra chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cán bộ GTVT là những người đi đầu trong việc phá hủy cầu, đường nhằm ngăn chặn hiệu quả bước tiến của quân thù, làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Cũng chính lực lượng ấy, khi kháng chiến chuyển sang giai đoạn phản công, đã lại dốc sức gấp rút xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vừa tiêu thổ, làm mới thêm nhiều tuyến đường, cầu tạm, bến phà, tổ chức vận tải lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường. Hình ảnh những đoàn xe thồ nối đuôi nhau vượt qua đèo cao, suối sâu, trong mịt mù lửa đạn, chịu mọi sự đói rét để vận lương tiếp tế cho Điện Biên Phủ giành thắng lợi, sẽ mãi là hình ảnh cảm động, độc đáo nhất về tinh thần thi đua yêu nước thời đại Hồ Chí Minh.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, mặc dù bị phân tán nguồn lực do chiến tranh, ngành GTVT tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới. Chỉ trong vòng 10 năm, ngành đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: Khôi phục hoạt động của 900 km đường sắt trên 5 tuyến trọng yếu; làm mới và khôi phục hơn 10 nghìn km đường bộ, 260 nghìn km đường giao thông nông thôn, miền núi; sửa chữa, duy tu gần 22 km cầu các loại; khởi công, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều bến cảng, nhà ga cùng hàng vạn km đường sông. Những công trình này đã phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Cùng với cả dân tộc, ngành GTVT lại lao vào cuộc trường chinh đánh giặc. Các phong trào yêu nước được dấy lên sôi nổi trong toàn ngành. Lòng yêu nước được phát huy cao độ. Với khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, lực lượng tự vệ GTVT đã cùng vào trận đánh “giặc trời”, bắn rơi 95 máy bay địch các loại, phối hợp với các lực lượng khác bắt sống 18 giặc lái, rà phá hơn 16 nghìn bom từ trường.

Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, TNXP đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn để giữ vững mạch máu giao thông, đồng thời là hiện thân sống của một loại đường giao thông chỉ có ở Việt Nam, được tạo ra bằng chính xương máu của họ. Đã có gần 2.600 cán bộ, chiến sỹ GTVT hy sinh bởi bom đạn của kẻ thù, hàng vạn người trở thành thương bệnh binh, hàng chục vạn người khác bỏ lại phần đời tươi đẹp nhất cùng những ước vọng giản dị nơi chiến trường. Sự hy sinh của họ đã góp phần to lớn cho những chiến thắng vĩ đại của dân tộc và là hiện thân đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

12

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước cho tập thể lãnh đạo Bộ GTVT nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thốngvà Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, tổ chức ngày 22/8 - Ảnh: Tạ Tôn

Tiếp tục “mở đường”, vượt qua khó khăn, thách thức

Chiến tranh để lại ở cả hai miền một di sản hạ tầng đổ nát nặng nề. Trong tình cảnh bị cấm vận, kẻ thù bao vây, sản xuất đình đốn, nguồn lực thiếu trầm trọng, ngành GTVT phải chắt chiu từng đồng vốn, từng khoản viện trợ để làm cầu, mở những con đường mới. Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, hàng vạn cán bộ, công nhân viên của ngành lại lên đường, đến với những nơi thâm sơn cùng cốc, ngày đêm miệt mài lao động và sáng tạo trong những điều kiện đói rét, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề. Chính nhờ những nỗ lực phi thường ấy mà tuyến đường sắt Thống Nhất dài trên 1.700 km được khắc phục hoàn toàn chỉ sau 14 tháng thi công. Hàng loạt công trình giao thông quan trọng trong đó có cầu Thăng Long, cầu Chương Dương đã ra đời trong thời kỳ khó khăn đặc biệt này, tạo tiền đề để Thủ đô mở rộng, phát triển và liên kết với các địa phương khác.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập, ngành GTVT đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông phát triển nhanh và bền vững. GTVT trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Điều đó mở ra cho ngành GTVT những cơ hội rất lớn để tăng tốc nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Thách thức về nguồn lực hạn hẹp trước đòi hỏi lớn gấp bội của nhu cầu thực tế; thách thức nghiệt ngã về thời gian, bản lĩnh lãnh đạo, đổi mới cơ chế, khả năng vượt qua những cám dỗ vật chất, năng lực quản lý, làm chủ công nghệ hiện đại…

Để vượt qua những thách thức đó, cùng một lúc Bộ GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tạo cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách; siết lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành; khắc phục căn bệnh nan y là trì trệ trong tư duy; xóa bỏ triệt để hiện tượng chậm tiến độ xảy ra tại hàng loạt công trình; tìm kiếm cán bộ có năng lực thông qua phát hiện, đào tạo, thi tuyển; chủ động liên kết mở rộng hợp tác quốc tế… Một lần nữa, tinh thần thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp cho toàn ngành nhanh chóng có được sự đoàn kết, thống nhất về ý chí cũng như mục tiêu hành động. Những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên giải quyết, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ chủ chốt.

Lần đầu tiên, để tri ân quá khứ, có cả một phong trào xã hội rộng lớn được phát động đến từng cán bộ, công nhân viên, với việc cho ra đời Quỹ Xã hội - Từ thiện Công đoàn GTVT. Quỹ đã hỗ trợ xây dựng hơn 700 căn nhà tình nghĩa, nhà mái ấm cho các cựu TNXP và công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng gần 4 nghìn sổ tiết kiệm cho cựu TNXP, cựu chiến binh, cựu tù chính trị; thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà bằng nhiều hình thức cho trên 50 nghìn cựu TNXP, công nhân lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, TNGT, đồng bào nghèo.

Có thể khẳng định, nếu không có sự mở đường về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự đồng thuận cao của nhân dân, nếu không mạnh mẽ thay đổi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ có được mạng lưới giao thông như chúng ta đang khai thác. Những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010). Hệ thống giao thông Việt Nam từ chỗ biệt lập, manh mún, giờ đây đã có thể tự tin kết nối với khu vực và thế giới. Sự kết nối này sẽ còn rộng lớn và hiệu quả hơn bằng một kế hoạch đầy tham vọng trở thành điểm trung chuyển của khu vực trong một tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm đủ lớn và tiếp tục tạo được niềm tin với Đảng và nhân dân.

Phần thưởng ghi nhận đóng góp to lớn của ngành GTVT

Trong suốt 7 thập kỷ hình thành và phát triển, ngành GTVT đã nhận được Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và rất nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

Riêng giai đoạn 2011-2015, ngành GTVT đã có một tập thể được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 37 tập thể, 16 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập; 107 tập thể, 249 cá nhân được tặng Huân chương Lao động; ba tập thể, một cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; ba tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 34 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 691 tập thể, 679 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 304 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc...

Những sự ghi nhận đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho mỗi cán bộ, người lao động của ngành. Chúng ta cảm ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu đã luôn là nguồn ánh sáng lý tưởng để mỗi người chúng ta hướng tới, đi theo, là cảm hứng lớn để chúng ta chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho đất nước. Chúng ta cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, sự yêu thương đùm bọc, tin tưởng của nhân dân cả nước. Đó là những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ngành GTVT có được bề dày thành tích và sự vững tin như ngày hôm nay. Chúng ta cảm ơn các thế hệ đi trước đã tận tâm tận lực, không tiếc mồ hôi, xương máu, xây nên nền móng vững chắc và đã để lại cho chúng ta nguồn cổ vũ, động viên to lớn bằng những tấm gương hy sinh không gì có thể so sánh được.

Cũng như giờ đây, những gì chúng ta đạt được, trước hết thuộc về công lao của hàng nghìn, hàng vạn người đang lặng lẽ lao động nơi chân trời góc bể, nơi rừng sâu nước độc, ngoài hải đảo xa xôi và đầy hiểm nguy. Phần lớn họ chưa bao giờ và thậm chí cả đời cũng không có cơ hội một lần được dự Đại hội Thi đua yêu nước để nghe chúng ta nói về lòng yêu nước, thứ tình cảm mà họ thể hiện ngày ngày bằng hành động và thông qua những hành động. Điều đó nhắc nhở mỗi người trong chúng ta rằng, phong trào thi đua yêu nước cần phải đi vào thực chất, bằng từng hành động cụ thể, bằng những việc làm ích nước lợi dân chứ không phải bằng những lời nói. Không chấp nhận trì trệ, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn là thi đua yêu nước; thương yêu chia sẻ trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ là thi đua yêu nước; tiết kiệm, liêm chính, trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống là thi đua yêu nước; đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhớ ơn và tri ân quá khứ là thi đua yêu nước; duy trì kỷ luật lao động, không để thất thoát tài sản nhà nước, không làm những việc gian dối… là thi đua yêu nước; không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm lợi cho xã hội là thi đua yêu nước… Nội dung của phong trào vĩ đại này vô cùng phong phú, sinh động và đòi hỏi ở mỗi người một quá trình lao động, học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu không ngừng, suốt cả cuộc đời. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần phải chân thành và thẳng thắn nói với nhau để mỗi Đại hội Thi đua yêu nước trở thành nơi hội tụ những khát vọng phục vụ Tổ quốc và nhân dân của tất cả chúng ta.

Mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng được cả xã hội ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của chúng ta, thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa. Để phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành GTVT cần đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, cùng nhau tận hiến, cùng nhau hăng hái thi đua yêu nước, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển ngành GTVT đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu chung “Phát huy truyền thống 70 năm “đi trước mở đường”, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng.

 Ủy viên BCH T.Ư Đảng,

Bộ trưởng Bộ GTVT

Đinh La Thăng

Số lượt xem:616

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

TRANG THÔNG TIN SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Giao Thông Vận Tải, Tầng 6, Tòa nhà B Khối tổng hợp - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum , Tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862536 ; Email: sgtvt@kontum.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum' hoặc 'www.sgtvt.kontum.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


1228799 Tổng số người truy cập: 3265 Số người online:
TNC Phát triển: