Công bố quy trình mới về đăng ký khai thác tuyến
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), trước đây các doanh nghiệp (DN) muốn kinh doanh phải làm hồ sơ xin chấp thuận tuyến của Sở GTVT. Khi đó, hai Sở GTVT ở hai đầu tuyến đã xin ý kiến nhau chán chê nhưng DN chưa chắc được chấp thuận vì đủ lý do. Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư số 60 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), các Sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe. Các DN căn cứ trên biểu đồ sẽ biết được lốt xe nào còn trống để đăng ký và nếu có hồ sơ hợp lệ thì đương nhiên được quyền vào khai thác chứ không cần có sự chấp thuận của các Sở GTVT như trước. Như vậy, các DN sẽ chỉ cần nộp hồ sơ và xin cấp phù hiệu để tham gia đầy đủ vào tuyến và đã bỏ được một thủ tục không cần thiết.
"Khi đã thực hiện theo Thông tư số 60, các Sở GTVT sẽ chỉ thực hiện công tác hậu kiểm thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định. Các DN phải chấp hành theo đúng các điều kiện, chất lượng dịch vụ mà đơn vị đăng ký khai thác nếu không sẽ bị các Sở GTVT tuýt còi. Trong trường hợp có thêm đơn vị khác đăng ký (có 2 đơn vị đăng ký), sẽ tiến hành đấu thầu, lựa chọn. Việc đấu thầu này cũng như đấu thầu xây dựng cơ bản. Đơn vị nào có khả năng tốt hơn sẽ được lựa chọn tham gia tuyến”.
Bà Phan Thị Thu Hiền
Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)
|
Để bảo đảm công khai, minh bạchtrong việc đăng ký, lựa chọn khai thác tuyến, Thông tư số 60 quy định rõ: Sau khi Sở GTVT tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai thác tuyến, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở GTVT phải kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo phải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT việc DN, HTX đăng ký khai thác tuyến thành công hoặc không thành công. Trường hợp đăng ký khai thác tuyến không thành công, Sở GTVT phải thông báo bằng văn bản cho DN, HTX và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của DN, HTX đăng ký đầu tiên mà có từ 2 DN, HTX trở lên (tính cho cả hai đầu tuyến) đăng ký khai thác trùng tuyến và giờ xe chạy, trong thời hạn 2 ngày làm việc tiếp theo, Sở GTVT hai đầu tuyến phải công bố công khai trên Trang thông tin điện tử và thông báo bằng văn bản cho DN, HTX biết việc tổ chức lựa chọn DN, HTX khai thác tuyến theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Trường hợp chỉ có 1 DN, HTX đăng ký khai thác tuyến thành công, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đăng ký thành công được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT, DN, HTX đã đăng ký thành công nộp hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định về Sở GTVT. Hết thời hạn trên, nếu DN, HTX không nộp hồ sơ, coi như DN, HTX tự hủy bỏ đăng ký.
Doanh nghiệp sẽ bớt khổ vì “xin - cho”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, việc bỏ chấp thuận tuyến là bước đột phá để tạo điều kiện cho các DN, HTX kinh doanh vận tải phát triển. Theo ông Thanh, cái khác cơ bản của quy định bỏ chấp thuận tuyến lần này là việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải. Theo đó, anh đăng ký vào tuyến là đăng ký vào các tài, lốt, chuyến xe mà chưa có đơn vị khác khai thác (còn trống) mà cơ quan quản lý Nhà nước đã công bố. Như vậy là chỉ có tài, lốt nào chưa có đơn vị khai thác, các DN mới được đăng ký. Sau khi DN đó đăng ký 3 ngày mà không có đơn vị nào đăng ký, coi như đăng ký đó thành công. Khi đó, DN sẽ thực hiện đầu tư phương tiện, đến Sở lấy phù hiệu và ký hợp đồng với các bến xe. Đây là một quy trình đảm bảo không gây ra sự rối loạn.
“Có DN hay cả Sở GTVT chưa nghiên cứu kỹ Thông tư mới cho rằng, nếu bỏ chấp thuận tuyến sẽ gây rối loạn. Thậm chí, có DN đang khai thác ổn định trên tuyến cũng phân vân, lo sợ các đơn vị khác sẽ chen chân vào gây lộn xộn trên tuyến. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi quy hoạch không được xác định đến từng giờ, lốt xe chạy thì các DN không biết đăng ký vào đâu và lại quay về như trước đây hơn 10 năm. Khi đó, DN cứ đăng ký loạn lên rồi dẫn đến vẫn có xin - cho. Lúc đó, các Sở GTVT thích cho vào lốt nào thì là quyền của Sở. Thế nhưng, nay đã quy hoạch chi tiết đến từng giờ, lốt xe, các DN cứ căn cứ vào đó mà làm, không ảnh hưởng đến các DN đã kinh doanh ổn định trên tuyến”, ông Thanh cho biết.
Đánh giá những điểm sửa đổi tích cực trong Thông tư số 60, lãnh đạo một DN vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng cũng cho biết, đây là một tin vui cho giới vận tải hành khách, bởi khi đó các DN vận tải sẽ bớt đi một thủ tục vốn không cần thiết nhưng lại rất rườm rà, nhiêu khê. Các quy định này được thực hiện chắc chắn sẽ giúp cho thị trường vận tải lành mạnh, chi phí vận tải được tính toán sát với thực tế hơn.
Nguồn Báo Giao thông