Thời gian gần đây, sau khi thủy điện Đăk Đrinh tích nước, trên lòng hồ thủy điện Đắk Đrinh có ranh giới giáp các xã của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và xã Đắk Nên huyện Kon Plông (Kon Tum) có một số phương tiện thủy thô sơ do người dân sử dụng để khai thác thủy sản và phục vụ vận chuyển nông lâm sản và người qua lại giữa các khu vực quanh lòng hồ, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy cao.
Lòng hồ Thuỷ điện Đăk Đrinh
Ngày 04/3/2014, đồng chí Vũ Văn Thuần - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Kon Tum đã tổ chức Đoàn đi thực tế kiểm tra để tìm giải pháp khắc phục.
Tham gia cùng Đoàn công tác, đại diện UBND huyện KonPlông có đồng chí Phạm Khoa - Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, đồng chí Ka Ngọc Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nên.
Theo báo cáo của Ông Ka Ngọc Nguyên thì số lượng các phương tiện giao thông thủy trên lòng hồ thủy điện Đắk Đrinh không nhiều, chủ yếu là của người dân thuộc huyện Sơn Tây; phía KonPlông chỉ có khoảng 04 phương tiện hoạt động.
Qua kiểm tra, khu vực lòng hồ phía KonPlông (KonTum) có 02 bến bãi thủy chưa đảm bảo điều kiện an toàn, chưa được cấp phép hoạt động; các phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện chưa qua đào tạo.
Sau khi kiểm tra, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh, Đoàn đã thống nhất một số nội dung sau:
1. Đề nghị UBND huyện KonPlông phối hợp với UBND huyện Sơn Tây chỉ đạo UBND các xã trực thuộc xung quanh hồ thủy điện Đăk Đrinh (cả phía KonPlông và phía Sơn Tây) có giải pháp dừng ngay hoạt động của các phương tiện thủy chưa đảm bảo điều kiện đang lưu hành trên lòng hồ thủy điện Đắk Đrinh; đồng thời hướng dẫn các chủ phương tiện này hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện trước khi tham gia giao thông theo quy định.
Nếu UBND xã nào để phương tiện có chủ là người địa bàn mình quản lý gây tai nạn, thì Chủ tịch UBND xã đó chịu hoàn toàn trách nhiệm.
2. Đối với khu vực lòng hồ thuộc địa phận tỉnh Kon Tum: Đề nghị UBND huyện KonPlông phối hợp các ngành chức năng nghiên cứu nhu cầu khai thác tuyến giao thông thủy trong phạm vi lòng hồ, trình cấp có thẩm quyền rà soát, bổ sung quy hoạch để làm cơ sở đầu tư hạ tầng bến bãi theo quy định.