banner
Thứ 5, ngày 4 tháng 7 năm 2024
Tăng cường công tác quản lý chất lượng thi công mặt đường bê tông nhựa
27-10-2014

Hầu hết sản phẩm mạt đá thu được chứa nhiều sét và tạp chất, không đảm bảo chất lượng.

Trạm trộn BTN nóng được lắp đặt cố định trên địa bàn còn ít, chỉ có 1 - 2 trạm trộn BTN nóng cố định đặt tại khu vực Hòa Bình thành phố Kon Tum. Một số nhà thầu thi công không có trạm trộn phải thuê từ các chủ khác nên không chủ động trong sản xuất. Cá biệt, có công trình thi công cách xa trạm BTN cả trăm ki lô mét.

Mặt bằng một số trạm trộn chật hẹp, diện tích không đủ để tập kết vật liệu, khu chứa vật liệu chưa tuân thủ quy định, chưa có hệ thống che, vách ngăn giữa các vị trí tập kết vật liệu; mặt bằng đọng nước khi trời mưa….

Một số trạm trộn chưa đạt chuẩn, không đảm bảo môi trường, hệ thống cung cấp bột khoáng thực hiện bán thủ công, khó kiểm soát, không có phòng thí nghiệm hoặc có nhưng bố trí không khoa học, người vận hành máy  chưa tuân thủ nguyên tắc cài đặt hệ thống cân đong tự động.

Đội ngũ kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác quản lý chất lượng thi công mặt đường BTN của các chủ thể tham gia dự án còn thiếu;

Công tác tổ chức thi công BTN ngoài hiện trường chưa có tính đồng bộ, chưa có sự thống nhất, chưa dự kiến được kế hoạch thi công cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn bị động, thiếu nhiên liệu cho máy rải, nhân công đi kèm; việc bố trí sơ đồ lu, tốc độ lu, sự phối hợp giữa các lu, số lượt lu lèn, làm ẩm bánh lu …chưa tuân thủ theo đúng quy định.

Hình ảnh trạm trộn bê tông nhựa

Để kịp thời khắc phục tồn tại, bất cập nêu trên, nhằm tiếp tục tăng cường chất lượng mặt đường BTN trong xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khắc phục hiện tượng“hằn lún vệt bánh xe” sau khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, ngày 20/10/2014 Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản số 1614/SGTVT-QLKCHT đề nghị các chủ đầu tư tăng cường công tác chỉ đạo, chú trọng tổ chức thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

Thi công và nghiệm thu mặt đường BTN nóng

Tuân thủ theo TCVN 8819:2011 - Quy trình thi công và nghiệm thu mặt đường BTN nóngQuyết định số 858/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành hướng dẫn áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và thi công mặt đường BTN nóng đối với các tuyến đường ô tô có quy mô giao thông lớn trong đó chú trọng một số nội dung sau:

Yêu cầu vật liệu

Tại mỏ vật liệu phải có dây chuyền riêng sản xuất đá phục vụ cho thi công BTN nóng và trong dây chuyền phải có 01 nghiền côn sơ cấp và 02 nghiền côn thứ cấp, hệ thống sàng đạt chuẩn, phân loại đá dùng cho BTN, đá mi (cát xay) đang dùng hiện nay cần phải sàng bỏ thành phần bột, tạp chất theo văn bản số 1175/BGTVT-CQLXD ngày 18/9/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

Vật liệu đầu vào trước khi trộn BTN phải được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, chứng chỉ, chứng nhận về chất lượng của nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật theo quy định của thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án, cụ thể như sau:

Nhựa đường: Phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BGTVT ngày 28/7/2014 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong công trình giao thông, TCVN 8819:2011, Quyết định 858/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chỉ thị số 13/CT-BGTVT ngày 18/8/2013 của Bộ Giao thông Vận tải về tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông. Không sử dụng nhựa đường có nguồn gốc xuất xứ từ Iran, Iraq, Trung Quốc;

Bột khoáng: Phải đạt các chỉ tiêu quy định tại mục 5.3 TCVN 8819:2011, không sử dụng bột khoáng thu hồi từ trạm trộn;

Mỗi đợt nhập vật liệu nhựa, bột khoáng phải tiến hành thí nghiệm 01 lần để kiểm tra chất lượng. Trong quá trình thực hiện nếu nghi ngờ thì phải yêu cầu thí nghiệm đối chứng.

Cốt liệu thô (đá dăm): Thỏa mãn các yêu cầu theo quy định tại mục 5.1 TCVN 8819:2011, mục 3.3.2 Quyết định 858/QĐ-BGTVT. Đối với chỉ tiêu thí nghiệm “cường độ nén của đá gốc” phải thí nghiệm dưới sự chứng kiến của đơn vị tư vấn giám sát và đại diện chủ đầu tư. Đá dăm phải được sản xuất theo công nghệ nghiền côn.

Cốt liệu mịn (cát): Thỏa mãn các yêu cầu theo quy định tại mục 5.2 TCVN 8819:2011, mục 3.3.3 Quyết định 858/QĐ-BGTVT, tăng cường sử dụng cát xay thay cho cát tự nhiên với các yêu cầu tại Bảng 6 TCVN8819:2011, tham khảo thành phần tại Bảng 5 Quyết định 858/QĐ-BGTVT, cường độ đá gốc ≥80Mpa.

Đá mạt: Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng của loại vật liệu này vì đây là loại vật liệu có nhiều tiềm ẩn ảnh hưởng đến chất lượng BTN, trong đó chú trọng kiểm soát khối lượng thành phần hạt nhỏ dưới 2mm, hàm lượng sét, hàm lượng mùn và chất hữu cơ.

Các loại cốt liệu: đá, cát, đá mạt khi thay đổi về nguồn cung cấp vật liệu hoặc có nghi ngờ về chất lượng thì phải tiến hành thí nghiệm để kiểm tra.

Máy rải bê tông nhựa

Yêu cầu về máy móc, thiết bị thi công BTN

Trạm trộn BTN:

Trạm trộn phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại mục 7.2 TCVN 8819:2011; phải được kiểm định (tem kiểm định phải do các trung tâm kiểm định của nhà nước cấp); được trang bị máy tính và các thiết bị điều khiển tự động bao gồm hệ thống cân đo, kiểm soát nhiệt độ, hệ thống cung cấp bột khoáng, hệ thống xử lý bụi… đảm bảo; kiểm soát tốt nhiệt độ, tỷ lệ phối trộn các loại vật liệu đá, cát, bột khoáng, nhựa, phụ gia (nếu có) theo thiết kế.

Trạm trộn phải đặt tại nơi có đủ diện tích để bố trí bãi tập kết vật liệu với khối lượng >70% khối lượng đợt sản xuất thảm BTN. Yêu cầu mặt bằng, kho chứa, khu vực tập kết vật liệu quy định tại mục 7 TCVN 8819:2011.

Phải bố trí phòng thí nghiệm tại trạm trộn đảm bảo quy định tại mục 9 TCVN 8820:2011. Yêu cầu phòng thí nghiệm phải có đầy đủ trang thiết bị đạt chuẩn được kiểm định để kiểm tra kịp thời chất lượng vật liệu, độ ẩm cốt liệu, nhằm điều chỉnh thành phần đá, cát…của từng mẻ trộn và kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của hỗn hợp BTN sản xuất tại trạm, trong đó phải chế bị mẫu Marshall để xác định khối lượng thể tích làm cơ sở xác định độ chặt lu lèn của lớp BTN tại lý trình thi công tương ứng. Quy trình vận hành máy móc phải được công khai tại vị trí dễ quan sát, gần nơi đặt máy, phải in sẵn quy trình thí nghiệm để thuận lợi cho công tác kiểm tra. Nhân viên thí nghiệm phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp và kinh nghiệm thí nghiệm ít nhất 01 công trình tương tự sử dụng BTN nóng. Trạm trộn không có phòng thí nghiệm thì không được sản xuất BTN.

Máy rải BTN phải có hệ thống điều chỉnh cao độ tự động, các bộ phận như dao chặt, thiết bị đốt nóng bàn ép, hệ thống điều chỉnh, mắt thần… đảm bảo  hoạt động tốt, ổn định.

Máy lu: Gồm ít nhất lu bánh thép nhẹ 6-8 tấn, lu bánh thép nặng 10-12 tấn và lu bánh hơi có lốp nhẵn đi theo một máy rải theo quy định tại mục 8.7 TCVN 8819:2011, ngoài ra phải bổ sung thêm lu rung trong dây chuyền thi công BTN. Trong giai đoạn lu chặt nên dùng lu bánh lốp theo hướng dẫn tại mục 8.7.2 TCVN 8819:2011 và có tổng trọng lượng ≥ 25 tấn, áp lực lốp ≥ 0,6Mpa và áp lực hơi của các bánh phải bằng nhau để tránh tạo ra hiện tượng độ chặt giữa các vệt không đều nhau.

Thiết kế hỗn hợp BTN: Xác lập công thức chế tạo hỗn hợp BTN phải thực hiện đầy đủ công tác thiết kế thành phần hỗn hợp BTN theo quy định tại TCVN 8819:2011 và TCVN 8820:2011 (thiết kế sơ bộ, thiết kế hoàn chỉnh và xác lập công thức chế tạo hỗn hợp BTN); Quyết định số 858/QĐ-BGTVT. Dựa trên thiết kế hoàn chỉnh, tiến hành công tác rải thử BTN để xác định quy trình công nghệ thi công và sơ đồ lu. Trên cơ sở kết quả rải thử lớp BTN tiến hành các điều chỉnh (nếu cần thiết) để đưa ra công thức chế tạo hỗn hộp BTN là cơ sở cho toàn bộ công tác tiếp theo: sản xuất hỗn hợp BTN tại trạm trộn, thi công, kiểm tra giám sát chất lượng và nghiệm thu. Trong quá trình thiết kế phải dưới sự giám sát của Tư vấn giám sát hoặc đại diện Ban Quản lý dự án.

Đơn vị kiểm định (nếu có) tham gia cùng với đơn vị thi công, đơn vị giám sát trong quá trình thiết kế hỗn hợp BTN.

Quá trình thiết kế hỗn hợp BTN phải thí nghiệm hằn vệt bánh xe. Nếu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu hằn vệt bánh xe theo quy định thì phải điều chỉnh thành phần hỗn hợp thiết kế, thay đổi mác nhựa hoặc thay loại đá khác cho đến khi đạt yêu cầu. Phương pháp thử độ sâu vệt hằn bánh xe của BTN xác định bằng thiết bị Wheel tracking theo Quyết định số 1617/QĐ-BGTVT ngày 29/4/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.

Phê duyệt công thức chế tạo hỗn hợp BTN: Trên cơ sở thiết kế hoàn chỉnh tiến hành công tác rải thử BTN. Sau khi có kết quả rải thử đảm bảo yêu cầu về độ chặt, độ bằng phẳng, kích thước hình học... nhà thầu điều chỉnh (trường hợp cần thiết) trình công thức chế tạo BTN để TVGS chấp thuận trình chủ đầu tư xem xét, phê duyệt sau khi có ý kiến xác nhận của đơn vị kiểm định (nếu có). Công thức chế tạo BTN trình phê duyệt bao gồm các nội dung sau:

Nguồn cốt liệu và nhựa đường dùng cho hỗn hợp BTN;

Kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của nhựa đường, cốt liệu đá dăm, cát, bột khoáng,…;

Thành phần cấp phối của hỗn hợp cốt liệu;

Tỷ lệ của các loại cốt liệu: Đá dăm, cát, bột khoáng tại phễu nguội, phễu nóng;

Kết quả thiết kế hỗn hợp BTN và hàm lượng nhựa tối ưu;

Các giá trị nhiệt độ hỗn hợp thi công quy định gồm: Nhiệt độ trộn, xả hỗn hợp ra khỏi máy trộn, vận chuyển tới công trường, khi rải, khi lu và kết thúc lu;

Phương án thi công ngoài hiện trường như: các loại vật liệu và thời gian cho phép rải lớp BTN sau tưới nhựa dính bám hoặc thấm bám; loại máy rải, tốc độ rải, chiều dày lớp BTN chưa lu lèn, loại lu, sơ đồ lu, số lượt lu trên 1 điểm, sự phối hợp giữa các lu, độ chặt lu lèn, độ nhám, độ bằng phẳng mặt đường.....

Trong quá trình thi công nếu có sự thay đổi về chất lượng, nguồn gốc vật liệu đầu vào, thiết bị lu... vượt quá khả năng điều chỉnh của trạm trộn thì phải tiến hành thiết kế lại hỗn hợp BTN và trình phê duyệt lại công thức chế tạo hỗn hợp BTN.

Sản xuất hỗn hợp BTN: Tuân thủ theo quy định tại mục 7.3 TCVN 8819:2011. Thành phần BTN phải tuân thủ theo công thức chế tạo BTN đã được phê duyệt. Trong quá trình sản xuất lưu ý đến nhiệt độ nhựa và thành phần của hỗn hợp cốt liệu.

Quá trình lu lèn bê tông nhựa

Thi công lớp BTN cần chú trọng một số vấn đề sau trong quá trình thực hiện:

Kiểm tra chất lượng nhựa, bột khoáng cho mỗi đợt nhập vật liệu, chất lượng của từng mẻ trộn. Mỗi ca thi công phải chế bị mẫu Marshall để xác định khối lượng thể tích làm tiêu chuẩn cho việc kiểm tra độ chặt lu lèn của lớp BTN tại lý trình thi công;

Kiểm tra chất lượng hiện trường, công tác chuẩn bị trước khi thi công;

Kiểm tra tốc độ lu, nhiệt độ BTN đưa vào máy rải, nhiệt độ trước và sau khi lu, sự phối hợp giữa các loại lu;

Đối với BTNC 19 thô và BTNC 25 thô nên dùng lu chấn động để lu chặt trừ trường hợp bề dày lớp hỗn hợp mỏng dưới 50mm, tần suất chấn động khi lu nên chọn bằng 30-50Hz với biên độ chấn động bằng 0,3-0,8mm (bề dày lớp lu lèn càng lớn cần chọn tần số và biên động chấn lớn). Mỗi khi chuyển hướng lu phải tắc chấn động;

Kiểm tra chất lượng tại vị trí mối nối dọc và mối nối ngang của các lớp BTN;

Đối với các đoạn đường vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn giao thông thì chỉ được thông xe sau khi nhiệt độ trong lớp BTN đã được thi công bằng nhiệt độ của môi trường (tối thiểu 24h sau khi thi công xong). Đối với lớp BTN phía dưới nên cấm thông xe để giữ gìn sạch bề mặt, cấm không được đổ vật liệu, đất hoặc trộn vữa xi măng lên bề mặt lớp BTN nhựa phía dưới đã rải;   Kiểm tra chiều dày, độ chặt, moduyn yêu cầu mặt đường.

Hồ sơ nghiệm thu phải bao gồm những nội dung sau: Kết quả kiểm tra chấp thuận vật liệu khi đưa vào công trình;Thiết kế sơ bộ;Thiết kế hoàn chỉnh; Biểu đồ quan hệ giữa tốc độ cấp liệu (tấn/giờ) và tốc độ băng tải (m/phút) cho đá dăm và cát; Hồ sơ của công tác rải thử, trong đó có quyết định của Tư vấn về nhiệt độ lu lèn, sơ đồ lu, số lượt lu trên một điểm,…;Công thức chế tạo hỗn hợp BTN kèm theo Quyết định được phê duyệt; Nhật ký từng chuyến xe chở hỗn hợp BTN: khối lượng hỗn hợp, nhiệt độ của hỗn hợp khi xả từ thùng trộn vào xe, thời gian rời trạm trộn, thời gian đến công trường, nhiệt độ hỗn hợp khi đổ vào máy rải; thời tiết khi rải, lý trình rải; Hồ sơ kết quả kiểm tra theo các yêu cầu quy định TCVN8819-2011 và các tiêu chuẩn hiện hành, trong đó có kết quả đo E mặt đường.

Mặt đường  bê tông nhựa sau khi hoàn thành

Tổ chức thực hiện

Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án

Lựa chọn đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và tư cách pháp nhân để thực hiện công tác thiết kế thành phần, thí nghiệm đánh giá chất lượng hỗn hợp BTN trước khi đưa vào dự án.

Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải nâng cao trách nhiệm đối với công tác quản lý chất lượng công trình nói chung và chất lượng mặt đường BTN nói riêng. Nếu công trình không đảm bảo chất lượng thì phải kiên quyết sử lý theo quy định; đặc biệt là đối với người đứng đầu. Tuyệt đối không vì lý do tiến độ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Thành lập Tổ công tác để kiểm tra chất lượng trên công trường, nếu phát hiện có vi phạm thì đình chỉ thi công; không cho tham gia trong công trường khi tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về pháp luật;

Củng cố hệ thống quản lý chất lượng của dự án, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của các kỹ sư làm việc tại Ban Quản lý dự án.

Kiểm tra sự phù hợp năng lực thực tế của nhà thầu thi công xây dựng công trình với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Kiên quyết không chấp thuận nếu không đảm bảo yêu cầu;

Tập trung kiểm tra chỉ đạo tại hiện tường, kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng trên công trường của nhà thầu, trường hợp nhà thầu không có hệ thống quản lý chất lượng hoặc có nhưng không đảm bảo thì yêu cầu thực hiện đúng quy định. Lập kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất công trình xây dựng theo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khâu: Tổ chức giám sát quá trình thi công xây lắp, quản lý chất lượng thi công xây lắp của nhà thầu;

Tổ chức nghiệm thu công trình theo đúng quy định. Kiên quyết không nghiệm thu các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ các quy trình quy phạm;

Ban Quản lý dự án trực tiếp điều hành tư vấn giám sát, nhà thầu tổ chức thi công đảm bảo chất lượng công trình và phải chịu trách trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng sai phạm, gây hậu quả nghiệm trọng.

Tư vấn giám sát:

Phải bố trí kỹ sư vật liệu có năng lực, kinh nghiệm (tham gia ít nhất 01 công trình tương tự sử dụng BTN) để kiểm tra, kiểm soát, giám sát vật liệu từ mỏ, trạm trộn,…kỹ sư vật liệu nào được phân công theo dõi dự án để vật liệu không đảm bảo quy cách, không đảm bảo chất lượng vào công trường thì cần phải xử lý kỷ luật, trường hợp nghiêm trọng có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền cấm không được hành nghề;

Phải bố trí các kỹ sư giám sát có có năng lực, kinh nghiệm (giám sát ít nhất 01 công trình tương tự sử dụng BTN) để giám sát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng các thiết bị của trạm trộn BTN, bao gồm hệ thống cân đong, đo, đếm, kiểm soát nhiệt độ, tỉ lệ phối trộn cát, đá, bột khoáng và hàm lượng nhựa theo thiết kế;

Phải có kỹ sư thường trú có đủ năng lực kiểm tra, phát hiện các sai sót trên hiện trường và đưa ra các quyết định đúng về kỹ thuật tại hiện trường;

Chủ động trang bị phòng thí nghiệm độc lập để không phụ thuộc vào nhà thầu;

Kiểm tra việc huy động máy móc, thiết bị thi công BTN ngoài hiện trường phải phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã ký kết. Trường hợp các máy rải BTN, hệ thống máy lu,… không đảm bảo theo yêu cầu, phải loại ra khỏi công trường và yêu cầu nhà thầu thay thế bằng các máy khác đáp ứng được các yêu cầu;

Kiểm soát chặt chẽ các vật liệu (nhựa đường, đá dăm, cát, bột khoáng,…) về số lượng, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, các chứng nhận chứng chỉ về chất lượng của nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật theo quy định của thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án;

Kiểm soát chặt chẽ thành phần hạt, tỷ lệ phối trộn, hàm lượng nhựa, bột đá, bột khoáng,… đảm bảo phân tích mẫu cốt liệu sau khi được phối trộn hoàn toàn nằm trong biểu đồ thiết kế cấp phối cho phép;

Nghiệm thu các công việc do nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng, kiên quyết không nghiệm thu các hạng mục không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công.

Đơn vị thi công:

Tổ chức công trường tập trung dưới sự điều hành của Ban điều hành công trình. Tăng cường công tác giám sát nội bộ của nhà thầu;

Phải bố trí cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về BTN để hướng dẫn, chỉ đạo thi công BTN. Cán bộ kỹ thuật, chỉ huy trưởng công trường phải có kinh nghiệm tham gia ít nhất 01 công trình tương tự sử dụng BTN;

Tổ chức lại các bãi vật liệu tại các trạm trộn nhằm đảm bảo tính khoa học trong dây chuyền sản xuất, phải có hệ thống che vật liệu, ngăn cách giữa các loại vật liệu để cho công tác kiểm soát vật liệu được thuận lợi và đảm bảo không đọng nước;

Bố trí đầy đủ trang thiết bị thi công đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn. Trường hợp thiết bị không phù hợp phải loại ra khỏi công trường;

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, bố trí phòng thí nghiệm đạt chuẩn theo quy định của dự án, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào tại trạm trộn, đảm bảo đúng công thức phối trộn;

Triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quy trình kiểm soát vật liệu đầu vào, thí nghiệm thiết kế thành phần BTN, chất lượng thiết bị và quy trình vận hành tại các trạm trộn BTN, quy trình thi công thử và thi công đại trà lớp BTN;

Đáp ứng đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và thoát nước trong quá trình thi công.

Đơn vị kiểm định: Phải chú trọng tổ chức công tác kiểm định chất lượng mặt đường BTN ngay từ giai đoạn kiểm soát vật liệu đầu vào, thực hiện đầy đủ các thí nghiệm theo đề cương được duyệt và hợp đồng với chủ đầu tư. Trong quá trình kiểm định nếu cần bổ sung thêm thí nghiệm ngoài đề cương được duyệt để kiểm soát chất lượng thành phần BTN thì báo cáo chủ đầu tư xem xét, chấp thuận./.

 

Số lượt xem:1067

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

TRANG THÔNG TIN SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Giao Thông Vận Tải, Tầng 6, Tòa nhà B Khối tổng hợp - Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum , Tổ 8 - phường Thống Nhất - TP Kon Tum - tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 0260.3862536 ; Email: sgtvt@kontum.gov.vn
Ghi rõ nguồn 'Trang Thông tin điện tử Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum' hoặc 'www.sgtvt.kontum.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang


705549 Tổng số người truy cập: 356 Số người online:
TNC Phát triển: